Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển nhà ở năm 2023, theo đó Thủ đô đặt chỉ tiêu nhà ở riêng lẻ 4,5 triệu m2; nhà ở theo dự án khoảng 2,5 triệu m2, trong đó khoảng 2,3 triệu m2 sàn nhà ở thương mại, khoảng 0,032 triệu m2 sàn nhà ở xã hội và 0,094 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư.
Diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố năm 2023 là 28,2 m2 được xác định trên cơ sở trung bình chỉ tiêu đạt được năm 2022 (27,6 m2 một người) và khả năng hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trong các tháng cuối năm nay. Trong khi đó, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt 26 m2 một người năm 2023, tăng 0,5 m2 so với năm trước.
Trao đổi với Lao Động, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam – khẳng định, việc xác định dân số của Hà Nội hiện nay về mặt pháp lý là đã có tổng kết nhân dịp điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô.
Về tổng số lượng nhà ở xây dựng, cứ 5 năm và hàng năm Hà Nội đều có báo cáo đánh giá tổng kết. Như vậy, việc đưa ra mục tiêu trên là có tính toán trên cơ sở nhà ở đã hoàn thành đồng thời cũng tính toán trên cơ sở nhà ở được đăng ký theo các dự án đầu tư và đã được đầu tư xây dựng theo tiến độ.
Tuy nhiên, khi thống kê, đặt ra mục tiêu, các nhà quản lý có tính toán được số căn hộ và số nhà ở đã có người ở chưa hay đang trong quá trình giao dịch. Vấn đề này cần phải làm rõ.
Theo ông Nghiêm, một vấn đề nữa là phải phân loại nhà ở vì Hà Nội hiện nay có nhiều nơi cơi nới, hay công trình tạm thời. Phải chăng để đạt được mục tiêu 28 m2/người cần phải xác định công trình nhà ở kiên cố chiếm tỉ lệ bao nhiêu phần trăm và việc này phải làm rõ.
“Trong tính toán dân số hiện nay có tiêu chuẩn rất rõ. Nếu thường trú có công ăn việc làm, khách vãng lai, khách du lịch được quy đổi ra một số liệu chung. Hiện nay, quy chế, khung pháp lý của vấn đề này rất chặt chẽ, vấn đề có làm đúng hay không”, ông Nghiêm nói.
Mục tiêu đưa ra để phấn đấu tuy nhiên đất Thủ đô hiện nay có giá cao, xây dựng có thể được nhưng khi xây dựng xong thì người dân có tiền để mua hay không mới là vấn đề.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Trần Xuân Lượng – tiến sĩ chuyên ngành Bất động sản (Đại học Kinh tế Quốc dân), cho rằng, khi đưa ra chỉ tiêu chúng ta phải tính toán, thống kê đầy đủ các dữ liệu từ thực tế. Không nên đưa ra các đề xuất, mục tiêu thiếu thực tế.
Vị này nói rằng, dữ liệu mà chuẩn chắc chắn cho kết quả tốt. Ngược lại, dữ liệu không đúng thì tất nhiên kết quả không được như kỳ vọng. Hiện nay mặt bằng dân số của Hà Nội rất cao nhưng nếu điều tra dân số cơ học theo kiểu hộ khẩu dễ bị sai lệch, không đúng với thực tế.
Tiến sĩ Lượng đưa ra giải pháp phải căn cứ trên số liệu và tính thực trạng. Thống kê dân số một cách chi tiết, đưa ra mặt bằng nhà ở đầy đủ, phải định lượng cụ thể lúc đó mới ra được các tiêu chuẩn chính xác.
“Những chính sách đưa ra dựa trên số liệu không đầy đủ dẫn đến các quyết sách không chính xác, thậm chí mục tiêu đưa ra khó đạt yêu cầu”, ông Lượng nhấn mạnh.