Dự án nhà ở xã hội, mua 3 năm chưa bàn giao
Chiều 12.5, tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân, lao động của đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, UBND TP Đà Nẵng, nhiều cử tri đã phản ánh về mua, thuê nhà ở xã hội.
Chị Phạm Thị Tường Vi, người lao động tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng phản ánh, khi Công ty địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước xây dựng và mở bán khu chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh, rất nhiều người lao động đã đăng ký mua.
“Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người lao động (chủ yếu là người lao động Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng) đã mua nhà ở chung cư xã hội Khu E3, E4 thuộc dự án này gần 3 năm nhưng vẫn chưa nhận được nhà.
Việc giao nhà chậm trễ khiến nhiều người lao động rất bức xúc và gặp nhiều khó khăn về kinh tế, chỗ ở, vừa phải trả tiền vay ngân hàng, vừa phải trả tiền thuê nhà trọ trong mấy năm qua” – chị Vi cho hay.
Cùng phản ánh về nhà ở xã hội, chị Hoàng Thị Thanh Hải, người lao động tại Công ty TNHH Hoàng Bảo Anh, quận Cẩm Lệ cho biết, theo quy định, đối tượng được tiếp cận, bố trí vào ở tại nhà ở xã hội cho công nhân chỉ giới hạn là công nhân làm việc tại khu công nghiệp.
Trong khi đó, nhu cầu nhà ở của người lao động ở các khu vực khác như người hoạt động không chuyên trách cấp xã, viên chức (trong đó đặc biệt là giáo viên), người lao động ở các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp cũng khá bức xúc.
“Kính đề nghị Hội đồng Nhân dân thành phố, các cấp các ngành phối hợp, xây dựng giải pháp để mở rộng đối tượng được vào ở tại nhà ở công nhân khu công nghiệp như khu công nghiệp Hòa Cầm” – chị Hải kiến nghị.
Yêu cầu nhà đầu tư cam kết, nếu chậm trễ phải trả tiền thuê nhà cho công nhân
Tại buổi tiếp xúc, ông Trần Văn Hoàng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, khi nhận được đơn kiến nghị của nhiều công nhân về dự án nhà ở xã hội do Công ty địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước làm chủ đầu tư, Sở Xây dựng đã liên hệ với chủ đầu tư.
“Mặc dù rất thông cảm về ảnh hưởng dịch bệnh, biến động giá cả, vốn… nhưng Sở vẫn quyết liệt yêu cầu chủ đầu tư phải tiếp xúc với từng người mua. Đến nay, doanh nghiệp đã mời làm việc 157 trường hợp (trên tổng số khoảng 200 người mua), đồng thời cam kết đến 31.8.2023 sẽ bàn giao nhà. Trường hợp nếu đến thời hạn đó, chủ đầu tư không giao nhà cho công nhân thì phải hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân” – ông Hoàng cho hay.
Về việc mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội, ông Trần Chí Cường – Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng cho biết, tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã đưa dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi thay cho Luật Nhà ở 2014, dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp Quốc hội thứ 6.
Việc này sẽ giúp đồng bộ cùng Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản để tháo gỡ vấn đề vướng mắc khó khăn hiện nay trong việc triển khai thực tiễn Luật Nhà ở.
Trong đó, có vấn đề mới là nhà lưu trú cho công nhân lao động, theo quy định chỉ thí điểm trong khu công nghiệp mà chưa có quy định ở ngoài.
Với sự sửa đổi Luật Nhà ở lần này sẽ nghiên cứu để đảm bảo cho công nhân lao động trong và ngoài khu công nghiệp có thể tiếp cận với loại hình nhà ở này, đảm bảo hài hòa sự phát triển kinh tế xã hội.