Học phí đại học năm học 2023-2024 sẽ tăng
Mới đây, tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về vấn đề học phí và sách giáo khoa năm 2023 – 2024, lãnh đạo Bộ GDĐT đã báo cáo về phương án điều chỉnh học phí năm học 2023-2024.
Dự kiến đầu tháng 7, Hội đồng nhân dân các địa phương sẽ thông qua mức học phí cho năm học mới. Đối với giáo dục đại học, các trường phải quyết định mức thu học phí, thông báo trước khi thí sinh đăng ký dự tuyển.
Phó Thủ tướng đồng ý với phương án các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện lộ trình tăng học phí phù hợp theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; có chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế và dễ bị tổn thương được tiếp cận giáo dục đại học bình đẳng.
Thí sinh lạc trong “ma trận” học phí
Dự định đăng ký xét tuyển ngành Thiết kế nội thất của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, em Đinh Vân Hà (học sinh tại Thành phố Vinh, Nghệ An) cho biết – bản thân có khá nhiều thắc mắc về học phí của trường bởi đề án tuyển sinh không nêu rõ con số học phí cụ thể hay công bố bao nhiêu tiền/tín chỉ như các trường khác. Điều này gây ra sự mông lung, khiến Hà không biết nên chọn trường hay bỏ qua.
“Trường không công bố cụ thể học phí mà chỉ ghi chung chung là theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP gây khó khăn cho em trong việc lựa chọn và đăng ký nguyện vọng. Gia đình em khá khó khăn về mặt tài chính nên học phí là yếu tố cần cân nhắc.
Trong trường hợp trường vẫn không thông báo cụ thể mức học phí thì em dự định sẽ đăng ký vào trường khác” – Vân Hà nói, đồng thời hy vọng trường sẽ sớm thông báo học phí rõ ràng minh bạch, giúp em lựa chọn trường dễ dàng hơn và bố mẹ cũng chuẩn bị trước tài chính.
Như Quỳnh (học sinh tại Đông Sơn, Thanh Hóa) cũng ngỡ ngàng khi tìm hiểu thông tin học phí của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp vì chỉ công khai vỏn vẹn: “Theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27.8.2021 của Thủ tướng Chính phủ”.
Khi trao đổi với các bạn cùng lớp, nhiều bạn của Quỳnh cũng lắc đầu ngao ngán: “Học phí của các trường như một công trình thế kỉ”. Hiện nay nhiều trường chưa công bố, còn các trường đã công bố thì mỗi nơi một kiểu. Ví dụ, Trường Đại học Hà Nội công khai học phí theo tín chỉ; Học viện Ngoại giao mức học phí đào tạo chính quy được tính theo tháng; Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Đại học Quốc gia Hà Nội) lại tính theo năm.
“Với học sinh vùng nông thôn như chúng em việc biết trước học phí là vấn đề rất quan trọng. Ví dụ như gia đình em chỉ đáp ứng được mức học phí cao nhất là 7 triệu đồng/năm học. Nếu vượt quá khả năng, em không thể theo được” – Quỳnh nói.
Vừa qua, loạt bài phản ánh về việc nhiều trường đại học mập mờ học phí trong mùa tuyển sinh 2023 của Báo Lao Động nhận được sự quan tâm của thí sinh và phụ huynh, quý độc giả theo dõi tại đây:
– Đề án tuyển sinh đại học “khủng”, nhưng dè dặt công khai học phí
– Trường đại học mập mờ học phí do không có chỉ đạo từ cấp trên
– Không công khai học phí đại học là điều khuất tất
– Không công khai học phí đại học không gây khó cho thí sinh?
– Phát ngôn về học phí của Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội khiến nhiều thí sinh thất vọng
– Thí sinh không dám quyết vì Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội úp mở học phí