Ghi nhận trên thị trường chứng khoán, sau đợt giảm liên tục và có phần mạnh hơn thị trường chung, các cổ phiếu bất động sản đã có những nhịp hồi khá tốt từ cuối tháng 3 và nửa đầu tháng 4. Dòng tiền đã quan tâm nhiều hơn tới dòng cổ phiếu nhà đất, mặc dù chưa lớn và chưa bền.
Trong phiên giao dịch hôm qua (11.5), sự sôi động tiếp diễn ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, khi có thêm không ít mã được kéo lên giá trần, với tâm điểm ở các mã bất động sản, xây dựng với khối lượng khớp lệnh ở mức cao. Đơn cử trong phiên giao dịch ngày 11.5, nhóm cổ phiếu top đầu của ngành bất động sản như cổ phiếu DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng tăng lên mức giá 20.450 đồng/cp, cổ phiếu DXG của Đất Xanh tăng lên mức giá 14.500 đồng/cp, cổ phiếu NVL – Novaland (Novagroup) cán mốc 13.800 đồng/cp. So với thời điểm đầu năm nay, các cổ phiếu này thật sự có mức tăng ấn tương trung bình trên 60%, cá biệt có cổ phiếu DIG tăng gần 90%.
Có thể nói, nhóm cổ phiếu bất động sản đã tăng mạnh trong những ngày đầu tháng 5 và cán mốc vùng giá cao nhất. Điều này cho thấy, nhóm cổ phiếu này tiếp tục có động lực tăng từ chính sách cho ngành bất động sản được tháo gỡ.
Đáng nói nhất là việc Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong tháng 4 thông qua việc ban hành các thông tư cho phép cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn.
Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác, cho phép kéo dài kì hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm…
Câu hỏi đặt ra với nhà đầu tư hiện nay đó là liệu rằng, các chính sách thật sự đã hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp bất động sản thoát khỏi đáy để vực dậy hoạt động kinh doanh vốn đã đóng băng thời gian qua hay chưa? Nếu nhìn vào nhịp tăng của nhóm cổ phiếu bất động sản thời gian qua chủ yếu mang yếu tố đầu cơ nhờ một số thông tin hỗ trợ từ chính sách tạo đòn bẩy. Dòng tiền vào nhóm cổ phiếu này phần nhiều là do yếu tố tâm lí kì vọng ngắn hạn của nhà đầu tư.
Trên thực tế, giá nhiều cổ phiếu bất động sản tăng và giảm cũng trong thời gian ngắn. Đây là minh chứng cho thấy, dòng tiền vào nhóm này chỉ là hiệu ứng ngắn hạn, chưa cho thấy sự bền vững.
Điểm nghẽn lớn nhất hiện nay với thị trường bất động sản vẫn là vấn đề pháp lí, khiến doanh nghiệp khó triển khai dự án, hoặc triển khai chậm dẫn đến tăng chi phí và rủi ro kinh doanh, từ đó khiến nguồn cung cho thị trường khan hiếm.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, hiện nay, vẫn còn quá sớm để đánh giá thị trường bất động sản liệu có thể được “rã đông” khi thực tế triển khai các chính sách vẫn còn bỏ ngỏ và nhiều điểm nghẽn về pháp lí chưa được giải quyết triệt để. Các chính sách được ban hành vừa qua có thể tháo gỡ một phần nút thắt, tuy nhiên cần những giải pháp đồng bộ hơn về cả quy trình pháp lí, tiếp cận nguồn vốn để thị trường bất động sản phục hồi.
TS Nguyễn Duy Phương – chuyên gia phân tích của DGCapital – cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn, khiến giá cổ phiếu trong ngành khá rẻ. Các cổ phiếu bất động sản lớn hiện nay đều có mức P/B (giá/giá trị sổ sách) từ 0,7 đến 1,6 lần – thấp hơn rất nhiều so với những năm trước đây, khi mức P/B của ngành này thường từ 2,5 đến 4,0 lần. Vì vậy, với những nhà đầu tư dài hạn, đây là một cơ hội thực sự rõ ràng.