Công ty CP Lâm nghiệp Sài Gòn vừa có văn bản gửi lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan về việc bàn giao mặt bằng dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, công ty này đồng ý bàn giao hơn 14,2 ha trong khu đất hơn 24 ha thuê tại xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) cho Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh để thực hiện dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, công ty xin kí lại hợp đồng thuê đất đối với diện tích đất còn lại của khu đất để giảm thiệt hại và di dời tài sản, đàn cá sấu đang nuôi tại đây.
Công ty CP Lâm nghiệp Sài Gòn tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, công ty con của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, đến năm 2015 thì cổ phần hóa.
Công ty này được Sở Tài Nguyên và Môi trường kí hợp đồng thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích khoảng hơn 24 ha (huyện Bình Chánh) từ năm 2005, thời hạn thuê đến tháng 10.2054.
Theo quy hoạch, tại vị trí Công ty CP Lâm nghiệp Sài Gòn thuê đất có khoảng 14,2 ha bị ảnh hưởng bởi dự án Vành đai 3.
Trước đó, ngày 11.5, Ban chỉ huy dự án thành phần 2 (dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh) có văn bản khẩn gửi Đảng ủy Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn về xử lí chi bộ và đảng viên có dấu hiệu vi phạm tại Công ty CP Lâm nghiệp Sài Gòn.
Theo Ban chỉ huy dự án thành phần 2, liên quan đến công tác thu hồi đất thực hiện dự án Vành đai 3, trên địa bàn huyện Bình Chánh có khoảng 14,2 ha do Công ty CP Lâm nghiệp Sài Gòn đang tạm quản lí, sử dụng thuộc ranh dự án.
Theo báo cáo của UBND huyện Bình Chánh thì lãnh đạo Công ty Cổ phần Lâm nghiệp Sài Gòn không hợp tác, không chịu bàn giao đất.
Thường trực Ban chỉ huy dự án thành phần 2, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối họp các sở, ngành và UBND huyện Bình Chánh mời lãnh đạo CP Cổ phần Lâm nghiệp Sài Gòn để phân tích, vận động, thuyết phục công ty này giao mặt bằng để đảm bảo tiến độ dự án. Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty CP Lâm nghiệp Sài Gòn không có thiện chí, không hợp tác, không chấp hành và đưa ra nhiều yêu sách bất hợp lí, không đúng quy định pháp luật.
Do đó, Thường trực Ban chỉ huy dự án thành phần 2, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Đảng ủy Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn kiểm tra dấu hiệu vi phạm và xem xét, xử lí kỉ luật đối với chi bộ, cấp ủy chi bộ và các đảng viên có liên quan tại Công ty CP Lâm nghiệp Sài Gòn theo đúng quy định.
Vành đai 3 qua TP Hồ Chí Minh dài hơn 47 km, tổng mức đầu tư hơn 41.000 tỉ đồng (chi phí xây dựng hơn 22.400 tỉ đồng và hơn 18.000 tỉ đồng cho giải phóng mặt bằng). Tổng diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 410 ha với hơn 1.700 trường hợp bị ảnh hưởng.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) cho biết, đã chuyển kinh phí bồi thường đợt 1 cho Thành phố Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh với số tiền hơn 5.624 tỉ đồng. Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương chi trả tiền bồi thường đợt 1 cho các hộ dân. Dự kiến, các địa phương bàn giao 70% mặt bằng trong tháng 6 để khởi công dự án Vành đai 3.