Ngày 7.5 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận 2 trường hợp học sinh ở TP.Hạ Long, nhập viện với biểu hiện kích thích, thở nhanh, vã mồ hôi, chóng mặt, buồn nôn.
Qua khai thác thông tin, các bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh. Trước khi vào viện khoảng 1 giờ, hai em đã hút thuốc lá điện tử.
Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán cả hai bị ngộ độc thuốc lá điện tử. Kíp trực nhanh chóng cấp cứu ban đầu và chuyển khoa Hồi sức tích cực theo dõi điều trị. Đến nay, hai em đã ổn định và xuất viện.
Theo thống kê từ khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm 2023 đến ngày 12.5, khoa đã tiếp nhận 10 bệnh nhân nằm điều trị tại khoa do ngộ độc thuốc lá điện tử. Cùng thời điểm này năm 2022 chỉ có 2 trường hợp.
Bác sĩ Hà Mạnh Hùng – Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – cho biết: “Hiện nay, chưa có xét nghiệm nào đặc hiệu để xác định bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử. Các bác sĩ chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng, khai thác tiền sử và kinh nghiệm chuyên môn. Những bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử điều trị tại khoa thường có tình trạng bệnh nguy hiểm. Điều trị ngộ độc cấp thuốc lá điện tử thường theo triệu chứng. Còn liên quan đến ngộ độc mãn tính thì cần sự tư vấn của các chuyên gia bác sĩ tâm thần”.
Cũng theo bác sĩ Hùng, thuốc lá điện tử hoạt chất chính là nicotin, đây là chất có thể gây nghiện, gây sảng khoái, kích thích, hưng phấn mức độ nhẹ, nhưng dùng trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng lệ thuộc vào thuốc lá điện tử. Ngoài ra, trong thuốc lá điện tử còn có các loại hoạt chất khác như chất bảo quản, phụ gia gây mùi thơm. Khi các chất này được đun nóng hóa hơi sẽ phát tán sâu vào cơ thể, đặc biệt là lá phổi, gây ra các bệnh lý về phổi nguy hiểm, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, làm não bộ tổn thương do tiếp xúc với chất kích thích kéo dài, nhất là đối với học sinh, trẻ vị thành niên.
Trước đó, ngày 12.4, Bệnh viện Bãi Cháy cũng đã tiếp nhận 4 em học sinh đều 15 tuổi nhập viện do ngộ độc thuốc lá điện tử.
Còn tại khoa Rối loạn tâm thần (RLTT) do sử dụng chất gây nghiện, Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh, từ 1.1.2023 đến hết tháng 4.2023 đã có 226 bệnh nhân nhập viện liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử.
Bác sĩ Cao Thị Xuân Thủy – Trưởng khoa Rối loạn tâm thần do sử dụng chất gây nghiện – cho biết: “Số liệu trên được bệnh viện tổng hợp qua quá trình thăm khám, bệnh nhân chủ động khai báo hoặc gia đình thông tin. Bệnh nhân có dùng riêng thuốc lá điện tử và có dùng thuốc lá điện tử chung với các chất khác đã và đang điều trị tại khoa. Số bệnh nhân nhập viện liên quan đến thuốc lá điện tử có xu hướng tăng thời gian gần đây, ngày càng trẻ hóa”.
Thuốc lá điện tử có những chất gây ảo giác, gây nghiện. Bệnh nhân vào viện thường được các bác sĩ điều trị giải độc và tư vấn an thần. Nhưng rất dễ tái phát – bác sĩ Thủy cho biết thêm.
Thuốc lá điện tử là các ống dung dịch được đóng gói với hàng trăm hơi hút, hầu như không có định lượng về nồng độ nicotine trong mỗi ml. Điều này dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng, mức độ dung nạp nicotine vào cơ thể và gây nguy cơ ngộ độc cấp tính. Hơn nữa, đây là loại thuốc lá có tỷ lệ giới trẻ sử dụng cao hơn nhiều so với những lứa tuổi khác, vì vậy nguy cơ ngộ độc thuốc lá điện tử ở trẻ sẽ ngày càng gia tăng và thực tế hiện nay đang chứng minh điều đó.
Mới đây, Vụ pháp chế (Bộ Y tế) đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử tại Việt Nam. Bộ Y tế cũng vừa có công văn về việc tăng cường truyền thông, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, kinh doanh thuốc lá điện tử trên toàn quốc.
Tuy nhiên, trước khi có những quy định cụ thể, các bác sĩ khuyến cáo gia đình và nhà trường cần tăng cường truyền thông, giáo dục cho trẻ vị thành niên để các em hiểu rõ những tác hại nghiêm trọng của thuốc lá điện tử, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.