Lý giải vấn đề thu phí cao tốc đường bộ do nhà nước đầu tư với Báo Lao Động, ông Uông Việt Dũng – Chánh Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, khi thông qua chủ trương đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc, Quốc hội đều có chỉ đạo giao Chính phủ, nghiên cứu thu hồi vốn ngân sách đã đầu tư cho các tuyến cao tốc. Gần đây nhất, tại Nghị quyết số 62/2022/QH15 của Quốc hội có nêu: “Hoàn thiện pháp luật về thu phí đối với các tuyến đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước”.
Triển khai chỉ đạo của Quốc hội, trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều văn bản chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, xây dựng cơ chế pháp luật về thu phí trên đường cao tốc do nhà nước đầu tư.
Ngân sách nhà nước nặng gánh với cao tốc
Theo Bộ Giao thông Vận tải, để thực hiện mục tiêu 5.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2030, Việt Nam cần đầu tư khoảng 813 nghìn tỉ đồng. Như vậy, yêu cầu ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng mới đường cao tốc là rất lớn. Do đó, thu phí cao tốc đường bộ để tạo nguồn cho đầu tư phát triển cao tốc là cần thiết.
Bên cạnh đó, khi các công trình đường cao tốc đưa vào sử dụng phải được quản lý, khai thác và bảo trì theo quy định của pháp luật.
Theo số liệu thống kê, những năm qua, đối với các tuyến đường bộ do nhà nước đầu tư (chưa thu phí), ngân sách chỉ cân đối được khoảng 830 triệu đồng/km đường cao tốc. Số kinh phí này cũng không được bố trí đúng thời hạn, ảnh hưởng đến chất lượng công trình và tốc độ khai thác.
Dự kiến đến năm 2025, 1.624 km đường cao tốc đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước hoàn thành và đi vào hoạt động, yêu cầu kinh phí cho quản lý, bảo trì đường cao tốc hàng năm sẽ rất lớn. Tổng nhu cầu kinh phí quản lý, bảo trì giai đoạn 2021 – 2025 là 9.067 tỉ đồng, bình quân 1.813 tỉ đồng/năm.
Pháp luật chưa có quy định thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư
Hiện nay, pháp luật chưa có căn cứ cụ thể thu phí cao tốc đường bộ do nhà nước đầu tư. Hiện chỉ có 2 cơ chế tương tự đó là thu theo cơ chế phí và thu theo cơ chế giá. Trong đó, thu theo cơ chế phí khá gần gũi với vấn đề thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư.
Theo quy định của Luật Phí và lệ phí, nguyên tắc xác định mức thu phí được xác định là cơ bản bảo đảm bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế, xã hội của nhà nước trong thời kỳ, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân.
Như vậy, thu phí cao tốc đường bộ do nhà nước đầu tư phù hợp với nguyên tắc của Luật Phí và lệ phí, bởi, cao tốc đường bộ cung cấp chất lượng dịch vụ sử dụng vượt trội, đem lại lợi ích cao hơn cho người sử dụng so với đường bộ thông thường.
Theo tính toán của Viện Chiến lược & Phát triển Giao thông Vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đối với 8 đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam đầu tư bằng ngân sách nhà nước đang được xây dựng. Các phương tiện lưu thông trên cao tốc sẽ tiết kiệm được bình quân khoảng 1.500 – 6.000 đồng/PCU/km tùy theo loại phương tiện so với lưu thông trên tuyến quốc lộ song hành. Trong đó, khoảng 30% từ tiết kiệm chi phi vận hành phương tiện và 70% từ tiết kiệm chi phí thời gian hàng hóa và hành khách.
Do đó, khi sử dụng đường cao tốc, người tham gia giao thông trả thêm một khoản phí ngoài phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện để sử dụng chất lượng dịch vụ tốt hơn, được hưởng lợi ích cao hơn so với sử dụng đường bộ thông thường là phù hợp và có cơ sở.
Ngoài ra, trong trường hợp thu phí cao tốc đường bộ do nhà nước đầu tư, người dân vẫn được đảm bảo quyền lợi. Bởi nếu không sử dụng tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, người dân có thể sử dụng tuyến đường khác. Cụ thể, song hành cao tốc Bắc – Nam phía Đông có Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển, (không phải trả phí riêng).
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, phí sử dụng đường bộ đang được quy định là loại phí thu hàng năm trên đầu phương tiện ôtô, nộp vào ngân sách nhà nước để phục vụ công tác quản lý, bảo trì đường bộ.
Như vậy, trong danh mục các loại phí thuộc lĩnh vực đường bộ chưa có quy định riêng về phí sử dụng đường bộ thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do nhà nước đầu tư (bao gồm cả các đoạn đường bộ do nhà nước đầu tư trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông).
“Như vậy, với phương án thí điểm khi được kiểm nghiệm trong thực tiễn sẽ là cơ sở vững chắc để hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm thu hút nguồn lực, bảo đảm công bằng phù hợp điều kiện kinh tế, xã hội của nước ta”, đại diện Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh.