“Ngân hàng cột điện” nhan nhản
Tại tỉnh Quảng Trị, số lượng công nhân ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp không lớn, nhưng tình trạng tín dụng đen đã xuất hiện với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.
Dọc các tuyến đường trung tâm ở tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là tại các trụ điện, bảng điện nhan nhản các tờ rơi ghi rõ số điện thoại với lời mời chào “vay tiêu dùng, giải ngân nhanh”, “alo là có tiền” , “cho mượn tiền góp”…
Anh N.C.N (công nhân làm việc tại Khu Công nghiệp Nam Đông Hà, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) cho biết, sau khi liên hệ với số điện thoại ở “ngân hàng cột điện”, anh được hướng dẫn ký vào nhiều loại giấy tờ. Vay 10 triệu đồng, nhưng không nhận đủ 10 triệu mà bị trừ thẳng tiền lãi. Và lãi suất 10.000 đồng/1 triệu đồng tiền gốc/ngày.
“Số tiền lãi tăng, từ 10 triệu đồng tiền gốc, mình vay thêm 10 triệu nữa, rồi sau đó không chi trả được. Bị khủng bố tinh thần, gia đình mình lo quá, phải đi vay mượn để trả” – anh N.C.N, chia sẻ.
Theo ông Trương Anh Phước – Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Dụng cụ du lịch Jinquan Việt Nam (Khu Công nghiệp Nam Đông Hà, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị), tại công ty đã có một số công nhân lao động vay tiền tại các tổ chức tín dụng đen. Với lãi suất “cắt cổ”, khi vướng vào thì công nhân lao động khó thoát ra được, vì làm không đủ trả lãi.
Cũng theo ông Phước, không chỉ ở Công ty TNHH Dụng cụ du lịch Jinquan Việt Nam, tình trạng tín dụng đen đã “áp sát” công nhân ở các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp và ở các nhà trọ. Vì vậy, cơ quan chức năng cần có giải pháp, nếu không nhiều công nhân khó khăn sẽ rơi vào tình trạng càng khó khăn hơn.
Ngăn tín dụng đen như thế nào?
Theo Công an tỉnh Quảng Trị, tín dụng đen là hình thức cho vay tín dụng với lãi suất rất cao từ các tổ chức, cá nhân không có giấy phép kinh doanh hoạt động cho vay.
Các đối tượng cho vay thường treo biển, phát, dán tờ rơi… cho vay thủ tục nhanh gọn, chỉ cần giấy tờ tùy thân kèm số điện thoại liên hệ.
Sau khi tiếp cận được người vay, để qua mặt cơ quan chức năng, các đối tượng sử dụng các hợp đồng giả cách, hợp đồng mua bán, thuê lại tài sản của người đi vay nhằm biến tướng dưới dạng người đi vay bán tài sản sau đó thuê lại để lách quy định cho vay có cầm cố tài sản; lập các hợp đồng “giả cách” trong đó các đối tượng cho vay đóng vai trò là phía người đưa tiền cho người đi vay với lý do nhờ xin việc, xuất khẩu lao động… để có thể ép người đi vay vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu không trả đủ nợ…
Khi người vay không có khả năng trả nợ hoặc chậm trả lãi, các đối tượng cho vay sẽ dùng nhiều thủ đoạn ép bên vay và người thân phải trả như nhắn tin, gọi điện khủng bố tinh thần, sử dụng thông tin người vay để viết và đăng bài xúc phạm, nói xấu lên mạng xã hội…
“Nếu bị cơ quan công an phát hiện, các đối tượng sẽ trình ra các hợp đồng đã ký với người vay để chứng minh đây chỉ là giao dịch dân sự thông thường, không có nội dung thể hiện cho vay lãi nặng nên gây khó khăn cho công tác điều tra, chứng minh tội phạm” – lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Trị, cho biết.
Trước tình trạng tín dụng đen “nở rộ”, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Trị đề nghị khi phát hiện các đối tượng cho vay lãi quá 100%/năm thì cần tố giác lên công an gần nhất. Các cơ quan, đơn vị, khu dân cư, người dân trên địa bàn chủ động phát hiện, ngăn chặn các đối tượng phát, dán tờ rơi, quét sơn quảng cáo liên quan đến cho vay, huy động vốn có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”.
“Lực lượng công an sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại khu nhà trọ công nhân, tập trung vào các doanh nghiệp có đông công nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen” – lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Trị cho hay.