Vào mùa nắng nóng, lượng nước ngầm trên đảo Lý Sơn thường sụt giảm và nhiễm mặn gây nhiều khó khăn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Trước tình hình đó, tỉnh Quảng Ngãi đang tìm các giải pháp để Lý Sơn sớm có nguồn nước sinh hoạt bền vững, phục vụ hiệu quả đời sống, phát triển kinh tế-xã hội của huyện đảo.
Huyện đảo Lý Sơn có trên 22.000 người, hơn 300ha đất sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện có hai công trình cung cấp nước sạch, hồ chứa nước Thới Lới dung tích 270.000m3 tưới cho 60ha đất nông nghiệp; hơn 2.000 giếng đào, giếng khoan.
Nguồn nước ngầm khan hiếm cùng với việc ồ ạt đào, khoan giếng phục vụ sản xuất nông nghiệp trong những năm qua khiến nguồn nước ngầm trên đảo ngày càng cạn kiệt.
Gia đình ông Lê Văn Kính (thôn Tây An Hải) có 6 sào đất nông nghiệp. Trước đây, ông chỉ trồng cây tỏi một đợt vào vụ Đông-Xuân. Để gia tăng hiệu quả sản xuất, gia đình ông Kính đã trồng thêm 2 đợt hành tím vào mùa Hè; đầu tư thêm giếng bơm và hệ thống tưới nước tự động do cây hành trồng trên cát biển cần phải tưới nước thường xuyên trong chu kỳ phát triển.
Ông Kính cho biết đến mùa nắng, nguồn nước giếng ở địa phương bị nhiễm mặn. Nếu dùng nguồn nước này tưới, cây hành không phát triển được. Nhiều vụ, do nước nhiễm mặn, người nông dân mất trắng.
Cách ruộng của ông Kính không xa, ông Dương Quyến (thôn Đông An Hải) đang chăm sóc vườn hành. Ông Quyến chia sẻ những năm trước, ông trồng hai vụ hành tím. Tuy nhiên, năm nay, ông chỉ trồng một vụ. Năm nay, thời tiết nắng nóng bất thường. Vì vậy, nước sinh hoạt cho gia đình và nguồn nước trồng hành rất khó khăn.
Huyện đảo Lý Sơn có diện tích hơn 10 km2. Hiện trên đảo có tới hơn 2.000 giếng khoang và giếng đào; trung bình một km2 trên đảo có hơn 200 giếng.
Theo người dân, năm 2014, toàn huyện chỉ có hơn 500 giếng. Tình trạng khai thác quá mức nguồn nước ngầm khiến lượng nước ngọt trên đảo ngày càng suy kiệt, nhiễm mặn gây khó khăn trong sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Bà Trương Thị Sanh (đội 10, xã An Hải) cho biết mực nước ngầm sụt giảm, việc lấy nước cho gia đình sinh hoạt rất khó khăn. Để đủ nước sinh hoạt trong 10 ngày, bà phải mất cả tiếng đồng hồ để chờ bơm nước, đưa hết các dụng cụ trong nhà đựng nước.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết vào mùa nắng nóng, nguồn nước ngọt trên đảo Lý Sơn chỉ đủ phục vụ khoảng 50% nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Khan hiếm nguồn nước ngầm và việc người dân khoan giếng khai thác quá mức, nguồn nước bị nhiễm mặn dẫn đến thiếu hụt nguồn nước trên đảo, gây nhiều khó khăn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Để khắc phục tình trạng này, huyện đã tận dụng miệng núi lửa Thới Lới làm hồ chứa dự trữ nước (dung tích chứa 270.000m3) nhưng chỉ đủ tưới cho 60ha đất nông nghiệp trên đảo.
Đồng thời, địa phương tăng cường tuyên truyền người dân và du khách sử dụng nước tiết kiệm; vận động bà con hạn chế trồng các loại cây cần phải tưới nước thường xuyên trong mùa khô; giảm diện tích đất nông nghiệp, phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch trên đảo.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lý Sơn nhấn mạnh Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trở thành trung tâm du lịch biển, đảo.
[Huyện đảo Lý Sơn kiên quyết xử lý tình trạng khoan giếng trái phép]
Thời gian tới, huyện không chỉ phát triển mạnh về hạ tầng mà áp lực về gia tăng dân số và khách du lịch tăng cao khiến nhu cầu nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt lại càng trở nên cấp thiết hơn. Vì vậy, tỉnh cần sớm có giải pháp để Lý Sơn có nguồn nước bền vững.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Võ Quốc Hùng cho biết Sở đã phối hợp với chính quyền địa phương đi thực tế khảo sát thực trạng thiếu nước sinh hoạt trên đảo Lý Sơn và tìm giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Kết quả khảo sát ban đầu cho thấy nguồn nước mặt của huyện có khoảng 9 triệu m3, trừ đi lượng nước bốc hơi và ngấm vào lòng đất, lượng nước chảy tràn trên bề mặt ra biển khoảng 3 triệu m3.
Sau khi phân tích thêm các phương án khác như: khai thác nước ngầm, lọc nước biển, Sở đã chọn giải pháp tận dụng khai thác tối đa lượng nước chảy tràn ra biển, thu gom lượng nước này vào các bể để cung cấp lại cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân. Phương án này tối ưu nhất, dễ thực hiện và ít tốn kém.
Dự kiến trong quý 2/2023, Sở sẽ đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh về giải pháp kỹ thuật, nguồn kinh phí công trình thu gom và trữ nước mặt.
Tuy nhiên, giải pháp này có khả thi hay không cần có sự đánh giá và cho chủ trương của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh. Trước mắt, Sở Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo địa phương cần tăng cường trồng cây xanh tạo môi trường sinh thái, góp phần giữ nước ngầm cho huyện đảo Lý Sơn; vận động người dân đầu tư bể trữ hộ gia đình tự cung ứng, góp phần khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên đảo./.