Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy tính đến ngày 27.4.2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 12,28 triệu tỉ đồng, tăng 3,04% so với cuối năm 2022 và tăng 9,92% so với cùng kỳ năm trước.
Trên toàn quốc, huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt 12,4 triệu tỉ đồng, bằng 101% tín dụng. Thanh khoản hệ thống dồi dào và chưa bị giới hạn chạm trần tăng trưởng tín dụng.
Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, các giải pháp điều hành chính sách nêu trên đều hướng tới tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, kịp thời cung ứng vốn tín dụng để góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp này, song tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm vẫn thấp, xuất phát chủ yếu do các nguyên nhân sau.
Thứ nhất, nền kinh tế nước ta có độ mở cao. Hoạt động của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào kinh tế quốc tế. Trong khi bối cảnh hiện nay kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, lạm phát cao, nhu cầu thương mại, đầu tư giảm ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Một số chỉ số kinh tế trong nước (sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, giải ngân FDI) giảm so với cùng kỳ. Trong đó, các thị trường, đơn hàng, đơn giá xuất khẩu tiếp tục sụt giảm. Vì vậy, trong bối cảnh khó khăn chung, cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm, dẫn tới cầu tín dụng giảm tương ứng.
Thứ hai, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.
Thứ ba, đối với nhóm SMEs, việc tiếp cận tín dụng của nhóm này còn hạn chế do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành còn hạn chế. Thiếu phương án kinh doanh khả thi, chưa có kế hoạch ứng phó với biến động thị trường, tính liên kết với chuỗi sản xuất còn hạn chế.
Thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp còn thiếu minh bạch làm ảnh hưởng đến việc thẩm định của các tổ chức tín dụng để đánh giá thực chất tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, việc triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua các cơ chế hỗ trợ của nhà nước còn chưa phát huy hiệu quả.
Với nhóm bất động sản, tín dụng các năm trước thường tăng cao, kéo theo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tăng. Tuy nhiên hiện nay, thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn (chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý dự án), các sự kiện của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp vừa qua ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư, người mua nhà khiến tín dụng bất động sản tăng chậm, ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng chung.
Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản có tỉ lệ đòn bẩy tài chính cao, tình hình tài chính kém lành mạnh, dẫn tới việc các tổ chức tín dụng phải cân nhắc trong quá trình thẩm định, xem xét quyết định cho vay đối với các doanh nghiệp này.
Nguyên nhân cuối cùng là sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, nhất là khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả trong bối cảnh hiện nay (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu ở mức cao, trong khi thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm…).