Phân hoá đối tượng để có hướng xử lý phù hợp
Chiều 10.5, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Thông báo Kết quả cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC).
Ban Nội chính Trung ương cho biết, một trong những nhiệm vụ trong thời gian tới được Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu đó là: Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, nhất là các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC, Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm đăng kiểm tỉnh, thành phố.
Hiện, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC cũng đã có chủ trương phân hoá xử lý các đối tượng trong vụ án Việt Á, vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm và các cơ quan liên quan.
Trả lời câu hỏi của PV Lao Động về việc phân hoá các đối tượng trong vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm và các cơ quan liên quan, ông Nguyễn Văn Yên – Phó Trưởng Ban Nội chính cho rằng – vi phạm, sai phạm là có thật và việc này liên quan trực tiếp tới Cục Đăng kiểm (Bộ Giao thông Vận tải). Vi phạm, sai phạm có tổ chức, kéo dài nhiều năm, hành vi diễn ra liên tục liên quan tới nhiều người, nhiều cấp khác nhau.
Theo ông Yên, giá trị tiêu cực bằng tiền không lớn nhưng hậu quả để lại cho xã hội rất lớn, rất nặng nề. Do đó, việc có sai, gây hậu quả cho xã hội phải xử lý. Nhưng việc xử lý như thế nào để không ảnh hưởng tới việc đăng kiểm cho phương tiện giao thông của tổ chức, của người dân và không ảnh hưởng tới hoạt động bình thường trong lưu thông và phát triển kinh tế xã hội là vấn đề được đặt ra.
Từ đó, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất chủ trương giao các cơ quan chức năng có giải pháp xử lý phù hợp nhất.
“Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC đã thống nhất chủ trương phân hoá xử lý các đối tượng có liên quan trong các vụ án để có cơ chế phân loại xử lý, xử lý phù hợp áp dụng trong toàn quốc. Bảo đảm cần người có tội cần xử phải xử. Người chưa đến mức xử lý hình sự có phân hoá bằng biện pháp khác. Và việc này tạo điều kiện để các kiểm định viên – những người làm công hưởng lương, phụ thuộc, không chủ động, không cố ý hưởng lợi, tạo điều kiện để lực lượng này thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm” – ông Nguyễn Văn Yên nói.
Theo ông Yên, thường trực Ban Chỉ đạo đã giao các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương và Viện Kiểm sát nhân dân là cơ quan chủ trì, nghiên cứu, tham mưu ban hành cơ chế này.
Khẩn trương truy tố, xét xử vụ Việt Á, Vạn Thịnh Phát, Cục Đăng kiểm
Cũng tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, Thường trực Ban Chỉ đạo cũng có yêu cầu khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm 5 vụ án trong Quý II/2023:
(1) Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận;
(2) Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 (Cienco1);
(3) Vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Môi giới hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan;
(4) Vụ án “Buôn lậu; Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” xảy ra tại khóm 5, phường Châu Phú An, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang;
(5) Vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam. Đồng thời, khẩn trương kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo.