Sáng hôm nay, bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ bị cáo Luyện, đang được tại ngoại) đã xuất hiện tại phiên tòa sau 3 ngày có đơn vắng mặt để điều trị tại bệnh viện. Tại phiên tòa bị cáo Mai thừa nhận hành vi phạm tội của mình đối với cả hai tội lừa đảo và rửa tiền giống như bản án sơ thẩm và xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt.
Về thông tin có một người tên An làm ăn chung với Luyện, đồng ý thay các bị cáo bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại gần 2.400 tỉ đồng trong vụ án cho tất cả các bị hại tại phiên tòa ngày hôm trước, sáng nay, bị cáo Mai cho biết ông An là bạn bè thân thiết vợ chồng bị cáo và cũng vừa là nhà đầu tư.
“Trước đó, ông ấy có mong muốn xin khắc phục hậu quả thay, nhưng với đề nghị tòa án công nhận giao đất (đang bị kê biên) cho ông. Tuy nhiên sau khi được tòa án mời làm việc và giải thích, ông An cảm thấy bỏ ra số tiền lớn mà rủi ro cao nên ông đã rút yêu cầu được khắc phục hậu quả thay”, bị cáo Mai trình bày.
Vấn đề này, HĐXX cho biết đã làm việc với ông An, đồng ý cho ông khắc phục thiệt hại thay cho các bị cáo. Song việc công nhận thỏa thuận của các bên là một quan hệ dân sự nằm ngoài phạm vi của vụ án. Việc giải tỏa kê biên giao đất cho ông An cũng nằm ngoài thẩm quyền của tòa.
Tiếp đó, bị cáo Mai nói hiện ông An không còn tiếp tục nhu cầu khắc phục thay vợ chồng mình do số tiền bỏ ra lớn và rủi ro cao.
Phiên tòa đang xét hỏi với các bị cáo khác.
Xin bồi thường thay cho Nguyễn Thái Luyện gần 2.400 tỉ đồng, được không?
Trước đó, trong phiên tòa phúc thẩm ngày 9.5, xét xử Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “rửa tiền” xảy ra tại công ty Alibaba, Hội đồng xét xử cho biết quá trình giải quyết vụ án, một người tên An có đơn đề nghị thay bị cáo Luyện và Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) khắc phục gần 2.400 tỉ đồng thiệt hại. Đổi lại, quyền sở sử dụng bất động sản của Alibaba đang bị kê biên trong vụ án sẽ được chuyển cho ông An.
Liên quan đến tình huống pháp lý này, Luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết ở góc độ xã hội, việc ông An đứng ra bỏ tiền thay bị cáo Luyện và bị cáo Mai (vợ Luyện) bồi thường, khắc phục hậu quả cho các bị hại là một điều rất đáng mừng. Các bị hại có cơ hội nhận được sớm và đầy đủ số tiền thiệt hại mà họ đã bỏ ra mua đất, xóa bỏ được nỗi lo lắng trong gần 3 năm nay của gần 4.500 người bị hại khi khởi tố vụ án Alibaba.
Dưới góc độ pháp lý, việc ông An đứng ra bỏ tiền thay bị cáo Luyện và Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) bồi thường, khắc phục hậu quả cho các bị hại với sự đồng ý của các bị cáo hoàn toàn có thể được Hội đồng xét xử xem xét là một tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm b, khoản 1, điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Việc khắc phục toàn bộ thiệt hại cho bị hại chắc chắn sẽ được tòa khuyến khích và ghi nhận vì có thể nhanh chóng giải quyết hậu quả của vụ án, thay vì phát mãi, đấu giá mất nhiều thời gian.
Trong yêu cầu đổi lại của mình, ông An yêu cầu tòa xác nhận và giải tỏa kê biên các bất động sản giao lại cho ông An. Đối với yêu cầu của ông An trong trường hợp này, ông An và Luyện có thể thỏa thuận dân sự riêng với nhau. Sau khi ông An dùng tiền của mình thay Luyện thực hiện xong hoàn toàn nghĩa vụ bồi thường cho các bị hại thì các tài sản sẽ được trả lại cho Luyện. Từ đó, Luyện và ông An có thể thực hiện thủ tục thay đổi chủ sử dụng đất theo quy định. Còn tại phiên tòa phúc thẩm này, Hội đồng xét xử không thể công nhận thỏa thuận của các bên vì đây là quan hệ dân sự nằm ngoài phạm vi của vụ án. Việc giải tỏa kê biên giao đất cho ông An theo đề nghị của ông An cũng nằm ngoài thẩm quyền của tòa.