Thiếu chỗ đỗ xe… đành chiếm không gian vỉa hè
Các tuyến đường trong khu phố cổ, vỉa hè rộng chưa đến 1m nên thiếu chỗ để xe cho ngay cả chính người dân. Trong khi đó, việc quy hoạch các bãi xe tĩnh tập trung hầu như rất ít.
Ngay như tại các tuyến phố như phố Hà Trung, Hàng Ngang, Hàng Đào (Hà Nội)… vỉa hè cũng rất hẹp nhưng các cửa hàng kinh doanh mặt phố đã dùng làm nơi để xe, chiếm không gian của người đi bộ. Hay ngay cả những tuyến phố có vỉa hè rộng như phố Thái Hà, phố Hoàng Cầu… nhưng nơi thì để xe quay ra, nơi để xe quay vào. Có tuyến phố như phố Đê La Thành thì vỉa hè gần như không dành cho người đi bộ.
Riêng vấn đề để xe nhưng khá nhiều địa phương lại phải đang loay hoay tìm lời giải. Với một thủ đô hiện có tới gần 6 triệu xe máy, mỗi tháng có trên 22 nghìn xe mới đăng ký thì quả thực đây là bài toán không dễ. Nhiều người cho rằng, chúng ta đang tiến hành lập lại trật tự trên vỉa hè chỉ là ở phần ngọn, chứ không phải ở phần gốc.
Ủng hộ chủ trương lập lại trật tự vỉa hè song giải quyết bài toán nơi đỗ xe cho người dân, đặc biệt là các hộ nhà ngay mặt đường, vỉa hè là bài toán không dễ, cần có sự hướng dẫn từ các cơ quan chức năng để vỉa hè được gọn gàng, trật tự.
Ông Vũ Văn Cát (phố Trần Xuân Soạn, quận Hai Bà Trưng) – bày tỏ, người dân rất ủng hộ chủ trương giành lại vỉa hè cho người đi bộ nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn với sinh hoạt thường ngày của người dân.
“Một vấn đề được người dân rất quan tâm đó là xe của người dân có cửa hàng để ở đâu? Chỉ có thể là để trên vỉa hè. Nhưng để xe trên vỉa hè như thế nào cho đồng bộ, xe để phía bên trong hay phía bên ngoài vạch sơn. Những phố không có vạch sơn thì làm thế nào? Tôi thấy việc này cũng cần có hướng dẫn cho phù hợp”- ông Cát nêu ý kiến.
Ông Trịnh Hoàng Tùng – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội – cho rằng, với điều kiện giao thông tĩnh trên địa bàn quận còn thiếu, nhu cầu gửi phương tiện của người dân và du khách lớn. Do vậy, nếu dừng ngay việc không cho phép sử dụng hè phố, lòng đường để trông giữ phương tiện sẽ gây ra sự xáo trộn rất lớn, người dân sẽ dừng, đỗ xe tự phát, không được quản lý.
Theo ông Tùng, đây là một vấn đề xã hội liên quan đến nhiều người dân cho nên phải có lộ trình giải quyết phù hợp, đạt yêu cầu về quản lý trật tự đô thị song tính đến đời sống mưu sinh, an sinh xã hội của người dân hàng ngày, tính đến việc giải quyết công ăn việc làm với những hộ gia đình đang kinh doanh ngoài vỉa hè để mưu sinh.
Nhu cầu cao, khả năng đáp ứng kém
KTS Trần Huy Ánh – Uỷ viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư TP Hà Nội – cho rằng, trong giải quyết trật tự vỉa hè, việc đảm bảo làn đường đi bộ là ưu tiên đầu tiên. Trong đó cần giới định bằng vạch kẻ sơn.
Để tránh tình trạng lấn chiếm vỉa hè thì có thể áp dụng giám sát tự động và chế tài xử phạt. Cần phân định rõ nơi nào dành cho người đi bộ, nơi nào có thể chuyển đổi chức năng giao thông không còn là vỉa hè để có khai thác cho hợp lý.
“Đất lòng đường, vỉa hè là đất công dùng cho giao thông. Nếu bố trí, điều tiết được các hoạt động với điều kiện không ảnh hưởng tới giao thông thì mới có thể khai thác. Nếu ảnh hưởng mà vẫn khai thác là phạm luật” – ông Ánh nói.
Ông Ánh chỉ ra thực tế, số lượng phương tiện, trong đó có xe máy, ô tô tại thành phố Hà Nội đang ngày càng tăng, kèm theo đó là vấn đề về nơi đỗ của phương tiện. Nhu cầu giao thông tĩnh ngày càng cao trong khi khả năng đáp ứng thì lại thiếu hụt trầm trọng.
Qua thảo luận chuyên gia trong nước và quốc tế gần đây đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới mất trật tự vỉa hè, lòng đường trong đó có nguyên nhân từ việc ô tô, xe máy đỗ xe tràn lan trên vỉa hè lòng đường. Do vậy, thành phố cần có sự thay đổi cách tiếp cận để giải quyết vấn đề này.
“Trong đó, phát triển ngành kinh tế cung cấp dịch vụ thay vì coi đây là nhiệm vụ của thành phố cung cấp phúc lợi đỗ xe cá nhân. Đã là kinh tế dịch vụ thì hạch toán kinh tế phải thu đủ chi và có lợi nhuận, tạo hấp dẫn đầu tư cho ngành kinh tế giàu tiềm năng này. Như vậy, chúng ta vừa có thể giải được bài toán trật tự vỉa hè, vừa có nơi đỗ xe phù hợp” – ông Ánh nói.