Mỗi trường một kiểu
Học phí là vấn đề “nhạy cảm” bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục triệu gia đình. Với giáo dục đại học, một số cơ sở giáo dục thực hiện đúng quy định của Chính phủ và Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) về công bố công khai, rõ ràng học phí và lộ trình tăng.
Theo đề án tuyển sinh, học phí năm 2023-2024 của Trường Đại học Y Dược TPHCM đối với sinh viên hệ chính quy dao động 4,18 – 7,7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, nhà trường cũng thông báo theo lộ trình, dự kiến tăng học phí tối đa 10% cho từng năm.
Cụ thể, mức học phí áp dụng cho năm 2023 của 14 ngành tại trường dự kiến như sau:
Học phí Trường Đại học Ngoại thương năm học 2023-2024 dự kiến với chương trình đại trà là 25 triệu đồng/sinh viên/năm. Học phí chương trình chất lượng cao dự kiến 45 triệu đồng/năm và học phí chương trình tiên tiến dự kiến 70 triệu đồng/năm. Chương trình Quản trị khách sạn, Marketing số, Kinh doanh số, Truyền thông Marketing tích hợp vẫn giữ mức 60 triệu đồng/năm…
Nhà trường cho biết dự kiến học phí của các chương trình được điều chỉnh hằng năm không quá 10%/năm.
Thế nhưng, một số đơn vị chỉ công bố dè dặt, thậm chí cố tình không công khai. Ví dụ như Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội công bố học phí rất chung chung, mập mờ theo kiểu: dự kiến với sinh viên chính quy; lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm (nếu có) là thực hiện theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
Hay với Trường Đại học Giao thông Vận tải, trong tóm tắt đề án tuyển sinh 2023 chỉ ghi: “Học phí dự kiến với sinh viên: khối kỹ thuật: 415.800 đồng/tín chỉ; khối kinh tế: 353.300 đồng/tín chỉ (trung bình 1 năm sinh viên học 30 tín chỉ)”. Các thông tin khác về lộ trình tăng, mức độ tăng như thế nào chưa được đề cập.
Lý do là gì?
Trước đó, trả lời phóng viên Báo Lao Động về vấn đề nhà trường chưa thông tin rõ ràng về học phí năm học 2023 – 2024, PGS.TS.KTS Lê Quân – Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội – nói: “Hiện tại, các trường công lập không dám công bố học phí và lộ trình tăng học phí. Nếu bây giờ công bố xong lại yêu cầu trả lại như năm trước thì làm thế nào? Năm trước, chúng tôi đã phải trả lại hàng nghìn hóa đơn học phí cho sinh viên”.
Theo vị Hiệu trưởng này, để gỡ khó cho các trường trong năm học 2023-2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thông báo có thu học phí theo Nghị định 81 của Chính phủ hay không?
Về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam – cho rằng, một số trường công lập muốn học phí cao nhưng lại bị kiểm soát trần học phí nên dễ nảy sinh sự không minh bạch trong việc công khai.
“Trường công muốn học phí cao nhưng lại bị kiểm soát trần học phí nên dễ nảy sinh sự mập mờ. Còn trường tư sòng phẳng hơn” – TS Khuyến nói thêm.
Khẳng định sự mập mờ nào cũng mang đến bất lợi, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT khẳng định, vấn đề học phí phải được minh bạch rõ ràng để phụ huynh và học sinh được biết, đưa ra cân nhắc lựa chọn trường phù hợp.
“Theo quy định, cơ sở giáo dục đại học công lập được xác định mức học phí không vượt mức trần học phí theo quy định. Nhiều trường lợi dụng điều này mập mờ học phí.
Điều này gây bất lợi rất lớn cho thí sinh, dẫn tới việc thí sinh và gia đình không hiểu, không nắm rõ, “nhắm mắt” thi vào trường đó, đến khi phát hiện học phí ngất ngưởng không thể chi trả thì lỡ dở cơ hội học tập” – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói.
Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, cơ sở giáo dục trước khi tuyển sinh hoặc xét tuyển phải công bố, công khai mức thu học phí, chi phí đào tạo cho từng năm học, cấp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, lộ trình tăng học phí (nếu có) cho từng năm học và dự kiến cho cả khóa học đối với giáo dục đại học.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mức học phí dự kiến của các trường đại học đều phải được công khai trong đề án tuyển sinh đăng trên website trường ít nhất 30 ngày trước khi nhận hồ sơ xét tuyển.