6 doanh nghiệp bỏ cọc
Cuối tháng 8.2022, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành 16 quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác 16 mỏ đất trên địa bàn tỉnh. Và yêu cầu các doanh nghiệp trúng đấu giá phải nộp hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò khoáng sản trước ngày 16.2.2023.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Sở TNMT tỉnh hướng dẫn, tiếp nhận và thẩm định hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản và trình UBND tỉnh cấp phép theo quy định để các mỏ đất sớm hoạt động, đáp ứng nhu đất san lấp của các công trình trên địa bàn.
Tuy nhiên, hết thời gian quy định, có 6 doanh nghiệp, gồm Công ty cổ phần Trường Danh, Công ty TNHH AT Duy Hoàng, Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Thăng, Công ty TNHH MTV Tiên Tiến, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng Á Đông HPP, Công ty TNHH Lê Thanh DKT không nộp hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò khoáng sản theo yêu cầu.
Vì vậy, UBND tỉnh quyết định hủy kết quả trúng đấu giá quyền khai thác 6 mỏ đất của 6 doanh nghiệp đấu giá trúng nói trên.
Trong 6 mỏ đất bị hủy kết quả trúng đấu giá, các doanh nghiệp đều đấu trúng với giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Như Công ty cổ phần Trường Danh tham gia đấu giá mỏ đất Phong Bình 1 (thuộc xã Phong Bình, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) với diện tích 25ha, dự báo có 1,1 triệu m3 đất san lấp, giá khởi điểm 921,8 triệu đồng, đấy trúng với giá gần 31 tỉ đồng, cao hơn 30 lần so với giá khởi điểm.
Trước đó, 6 doanh nghiệp trên đã nộp tiền đặt cọc khi đấu giá với mức 7% so với giá khởi điểm. Khi bị hủy kết quả đấu giá, đồng nghĩa 6 doanh nghiệp sẽ vứt luôn tiền cọc. Tuy nhiên, giá khởi điểm không cao, nên tiền đặt cọc cũng thấp.
Đấu giá cao rồi bỏ gây nhiều hệ lụy, sẽ cấm cửa
Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, sau khi hủy kết quả trúng đấu giá quyền khai thác 6 mỏ đất, tỉnh giao Sở TNMT thực hiện các thủ tục để tổ chức đấu giá lại theo quy định. Bên cạnh đó, địa phương sẽ lưu ý, không để 6 doanh nghiệp bị hủy kết quả trúng đấu giá quyền khai thác mỏ tham gia đấu giá các mỏ đất khác.
Cũng theo ông Hà Sỹ Đồng, việc đấu giá mỏ đất rồi bỏ, làm tình trạng thiếu vật liệu san lấp trên địa bàn thêm khó khăn. Từ đó, dẫn đến tình trạng khai thác đất trái phép. UBND tỉnh Quảng Trị sẽ có giải pháp khắc phục bằng cách đẩy nhanh tiến độ, thủ tục để đấu giá lại các mỏ đất. Đặc biệt, một số mỏ đất đủ điều kiện, không phải đấu giá thì cấp phép gắn với quy hoạch các công trình trọng điểm.
Theo Sở TNMT tỉnh, trên địa bàn tỉnh đang có 3 mỏ đất và mỏ đá có trữ lượng đất làm vật liệu san lấp đã được cấp phép khai thác với tổng trữ lượng khoảng 2,95 triệum3; hiện tại mới chỉ khai thác khoảng 186.000m3. Ngoài ra, tỉnh đã cấp phép nạo vét lòng hồ và tận thu đất làm vật liệu san lấp tại 27 hồ thủy lợi, nhưng chỉ tiến hành nếu thời tiết thuận lợi.
Trong lúc đó, nhu cầu sử dụng đất làm vật liệu san lấp năm 2023 ước tính khoảng 4,2 triệu m3. So với tổng khối lượng đất từ 3 mỏ đã cấp phép, thu hồi từ nạo vét lòng hồ và nguồn đấu giá theo tính toán của Sở TNMT khoảng 31,355 triệu m3, trên lý thuyết có thể đáp ứng được.
Tuy nhiên, thực tế, các doanh nghiệp vẫn thiếu đất san lấp khi thực hiện các dự án, do đất tăng giá vì quãng đường từ mỏ đất đến công trình khá xa, chất lượng đất đắp không phù hợp với thiết kế.