Chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu
Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày công bố thông tin 5.5, chưa có đợt phát hành TPDN nào được ghi nhận trong tháng 5.2023.
Trong tháng 4, có 1 đợt phát hành riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị phát hành 2.671 tỉ đồng được ghi nhận (tương ứng bằng 10% tổng khối lượng phát hành của tháng liền kề). Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng khối lượng phát hành TPDN được ghi nhận trong năm 2023 đạt hơn 31.000 tỉ đồng với 7 đợt phát hành công chúng và 15 đợt phát hành riêng lẻ.
Theo dữ liệu VBMA tổng hợp, tính đến ngày công bố thông tin 6.5, các đợt mua lại mới được công bố trong tháng 5 đều được thực hiện trong các tháng trước đó. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt gần 49.500 tỉ đồng (tăng 48% so với cùng kì năm 2022).
Ngoài ra, tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong tháng 5 là hơn 21.400 tỉ đồng. Một số nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn bao gồm bất động sản (9.600 tỉ); hàng tiêu dùng (3.700 tỉ); nguyên vật liệu (2.900 tỉ); ngân hàng (2.500 tỉ)…
Trong kì báo cáo, có 8 công ty công bố chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu với tổng gốc, lãi chậm trả được công bố là 1.200 tỉ đồng và 6 công ty công bố phương án tái cơ cấu, chủ yếu thông qua kéo dài kì hạn trái phiếu với kì hạn mới kéo dài thêm từ 3 tháng – 24 tháng so với kì hạn ban đầu.
Một số trường hợp có thể kể ra như: Công ty TNHH Xây dựng Hưng Phát chậm thanh toán 205,8 tỉ đồng tiền gốc trái phiếu; Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Investment chậm thanh toán 4,1 tỉ đồng tiền lãi trái phiếu; Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Đại Hùng chậm thanh toán 55,5 tỉ đồng lãi trái phiếu; Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Tâm chậm thanh toán 11 tỉ đồng lãi trái phiếu; Công ty Cổ phần Đầu tư Summer Beach chậm thanh toán 55,5 tỉ đồng lãi trái phiếu…
Doanh nghiệp có trách nhiệm đến cùng
Theo đánh giá từ cơ quan chức năng, thị trường TPDN đã có sự phát triển tương đối nhanh trong những năm gần đây và đạt được một số kết quả nhất định, chiếm khoảng 12,6% GDP năm 2022.
Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển nhanh, thị trường đã giảm sút về thanh khoản, năm 2022 phát hành TPDN riêng lẻ giảm 44,9% so với năm trước, đạt 337.000 tỉ đồng và quý I/2023 chỉ đạt hơn 25.000 tỉ đồng. Về kế hoạch phát triển thị trường trong năm 2023, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam đang hoàn thiện những bước cuối cùng để có thể đưa hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ vào hoạt động trong tháng 6 năm nay.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính), thị trường TPDN còn một số yếu tố nội tại cần khắc phục về cơ cấu và chất lượng nhà đầu tư; có hiện tượng lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật doanh nghiệp để phát hành TPDN với khối lượng lớn; tính phụ thuộc lẫn nhau giữa thị trường tín dụng, trái phiếu, bất động sản ở mức cao, dẫn đến khi một thị trường gặp khó, sẽ kéo theo các thị trường khác.
Vì vậy, cần thúc đẩy hoạt động của các nhà đầu tư tổ chức, giảm nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp và tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ, tính tuân thủ và đạo đức nghề nghiệp của một số doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ.
Các cơ quan quản lí sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp nhằm bình ổn thị trường, nâng tính thanh khoản và nâng cao hiệu quả giám sát để minh bạch thị trường và sẽ thực thi các biện pháp để các doanh nghiệp nâng cao tính công khai minh bạch trong huy động và sử dụng vốn, chủ động cung cấp thông tin cho nhà đầu tư; làm việc trực tiếp với doanh nghiệp có dư nợ TPDN đến hạn lớn…
Trước đó, Bộ Tài chính cũng khuyến cáo nhà đầu tư cần lưu ý phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua TPDN riêng lẻ và quan trọng hơn nữa là nhà đầu tư cần có hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu.