Sáng 11.5, tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đã có tờ trình về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND).
Bà Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, mục đích của việc sửa đổi nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã được xác định trong các văn kiện của Đảng và pháp luật; bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ.
Qua đó bảo đảm tính kế thừa, tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất đồng bộ trong các văn bản về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Nghị quyết số 85/2014/QH13 tập trung sửa đổi, bổ sung, làm rõ hơn những điều, khoản chưa phù hợp, rõ ràng, chặt chẽ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Nghị quyết cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế: Nghị quyết số 85/2014/QH13 chỉ quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhưng không quy định rõ về thời hạn thực hiện, dẫn đến việc tùy nghi, không đồng bộ, thống nhất trong cả nước.
Phiếu lấy phiếu tín nhiệm và phiếu bỏ phiếu tín nhiệm còn sử dụng cùng một tên (phiếu tín nhiệm) nên dễ dẫn đến nhầm lẫn; hướng dẫn việc triển khai hình thức công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người được lấy phiếu tín nhiệm chưa kịp thời nên khi triển khai còn lúng túng.
Do đó, Ban Công tác đại biểu nhận thấy cần thiết phải ban hành một Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 85/2014/QH13.
Theo bà Thanh, nghị quyết về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội quy định “Chủ tịch UBND phường chịu trách nhiệm trước HĐND quận, thị xã” nhưng không quy định HĐND quận, thị xã lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường.
Trong khi đó, Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM và Đà Nẵng quy định “HĐND thành phố lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch UBND quận”. Vì vậy, để tương đồng với quy định này, Ban Công tác đại biểu đề nghị tại Hà Nội, HĐND quận, thị xã lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch UBND phường.
Có ý kiến cho rằng nên quy định HĐND TP Thủ Đức thuộc TPHCM lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch UBND phường. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng không nên quy định vấn đề này vì nếu lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch UBND phường ở TP Thủ Đức nhưng không lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch UBND phường thuộc các quận ở TPHCM là không đảm bảo tính đồng bộ.
Tại Nghị quyết số 131/2020/QH14 cũng không quy định chủ tịch UBND phường ở TP Thủ Đức chịu trách nhiệm trước HDND cấp trên.
Nghị quyết số 85/2014/QH13 chỉ quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhưng không quy định rõ về thời hạn và thời điểm thực hiện. Điều đó dẫn đến việc tùy nghi, không đồng bộ, thống nhất trong cả nước.
Bổ sung người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì xin từ chức. Đối với việc xin từ chức là không quá 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm; đối với việc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm, xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch UBND quận, thị xã, phường ở nơi không có HĐND thì kể từ thời điểm có đề nghị của HĐND quận, thị xã, chủ tịch UBND cùng cấp xem xét, quyết định trong thời gian tối đa không quá 30 ngày.
Các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn gồm:
Quốc hội bầu các chức danh:
– Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước
– Thủ tướng Chính phủ
– Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội.
– Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, Tổng thư ký Quốc hội
– Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao
Quốc hội phê chuẩn các chức danh:
– Các Phó Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ
– Thẩm phán TAND tối cao
– Thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh
– Thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia