Trong báo cáo gửi Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Công ty Toyota Việt Nam – doanh nghiệp FDI lớn của tỉnh Vĩnh Phúc có sản lượng quý I/2023 giảm 37%, tương đương giảm 2.802 xe so với quý I/2022. Doanh số bán giảm 24% tương đương giảm 1.760 xe, mức tồn kho tăng 347% tương đương tăng 1.931 xe.
Phân tích nguyên nhân khiến sản lượng, tiêu thụ ôtô sụt giảm, báo cáo của tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, xung đột giữa Nga – Ukraina vẫn còn nhiều phức tạp. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ trong nước sụt giảm, thuế trước bạ, các loại phí vẫn còn cao, các chính sách về hỗ trợ thuế trước bạ đã hết thời hạn… nên đẩy giá xe lên cao, trong khi thu nhập của người dân còn thấp. Điều này dẫn đến thị trường ôtô khá ảm đạm trong 3 tháng đầu năm 2023.
Giá nhiên liệu thế giới bị đẩy lên, lạm phát tăng cao, chuỗi cung ứng đầu vào bị gián đoạn, kinh tế thế giới có dấu hiệu suy thoái – ảnh hưởng đến các nhà sản xuất của Việt Nam khi cả số lượng đơn hàng mới và xuất khẩu đều giảm.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Công Thương ngày 10.5, đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ ban hành các chính sách phát triển công nghiệp ôtô, xe máy. Trong đó, trước mắt xem xét tiếp tục giảm lệ phí trước bạ cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước để kích cầu tiêu thụ, sản xuất xe trong nước.
Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành có liên quan xem xét gia hạn một số chính sách thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 gia hạn ưu đãi thuế cho việc nhập khẩu linh kiện, phụ tùng cần thiết để sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước theo quy định tại Nghị định 57/2020/NĐ-CP cho giai đoạn hiện nay.
Điều này để đảm bảo tạo điều kiện các doanh nghiệp nhập đủ sản lượng sản xuất cho một mẫu xe nhất định cho tới khi doanh nghiệp có thể tự sản xuất các linh kiện, phụ tùng trong nước, góp phần gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.
Đồng thời xem xét điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt tối thiểu 6 tháng và lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước góp phần giảm giá bán, kích thích tiêu dùng, tăng năng lực sản xuất nội địa.
Tiếp tục áp dụng chính sách về giãn, hoãn các khoản phải nộp, như cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước cho một khoảng thời gian đủ dài (từ 2-3 năm).
Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính nêu quan điểm về chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ôtô sản xuất trong nước và gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo Bộ này, vào đầu năm 2023, khi doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn phục hồi thì nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng hiện hữu, gây ra nhiều tác động nghiêm trọng đến các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô nói riêng, nền kinh tế nói chung. Sức ép lạm phát, tỉ giá, lãi suất gia tăng cũng làm ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng, với xu hướng thắt chặt chi tiêu.
Đặc biệt, đặt trong bối cảnh Chính phủ đang quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế tác động xấu của kinh tế thế giới, cũng như tạo động lực phát triển kinh tế trong nước, thì việc Bộ Tài chính có các chính sách hỗ trợ khác liên quan đến thuế, phí là cần thiết.
“Việc tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước trong một khoảng thời gian thích hợp là cần thiết và phù hợp với tinh thần chung, góp phần kích cầu tiêu dùng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho” – Bộ Công Thương nêu quan điểm.