Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, miền Bắc và miền Trung mới bắt đầu bước vào mùa nắng nóng, nhưng lượng tiêu thụ điện đã tăng cao.
Cụ thể, lượng điện tiêu thụ trung bình trong tuần giữa tháng 4.2023 (từ ngày 16 đến 21.4) là 823 triệu kWh/ngày, tăng gần 5% so với kế hoạch cấp, vận hành hệ thống điện năm nay được Bộ Công thương phê duyệt.
Vì thế, từ ngày 17.4, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) đã phải huy động các tổ máy chạy dầu, riêng ngày 21.4 huy động 2.498 MW chạy dầu.
Trong khoảng thời gian cao điểm nắng nóng ở miền Bắc từ tháng 5 đến tháng 7, công suất tiêu thụ tại khu vực này dự kiến tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo dự báo của EVN, trường hợp các tình huống cực đoan xảy ra và mực nước các hồ thủy điện khu vực giảm sâu, miền Bắc có nguy cơ thiếu 1.600 – 4.900 MW điện trong tháng 5 và tháng 6.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay, hiện nay, EVN có những công cụ dự báo về khả năng phát điện và nhu cầu sử dụng điện của người dân, doanh nghiệp để 2 nhu cầu này gặp nhau, đảm bảo giá thành tốt nhất.
Tuy nhiên, việc dự báo nhu cầu sử dụng điện là việc rất khó, bởi liên quan đến bí mật kinh doanh của các doanh nghiệp.
“Chúng tôi sẽ trao đổi với các doanh nghiệp, đề nghị họ cung cấp kế hoạch sản xuất, kinh doanh để lập phương án sử dụng điện cho khách hàng dùng điện công nghiệp và thương mại dịch vụ”, ông Lâm nói.
Hiện nay, Việt Nam có 5.000 doanh nghiệp trọng điểm, theo ông Lâm “5.000 doanh nghiệp này sử dụng đến 34% tổng nhu cầu sử dụng điện trên cả nước”. Ông Lâm cho rằng, ngành điện sẽ kêu gọi các doanh nghiệp tiết kiệm điện, đảm bảo nguồn cung và cầu đồng bộ với nhau.
Vị lãnh đạo EVN cho biết, ngành điện cũng sẽ tăng cường năng lực dự báo liên quan đến năng lượng tái tạo, dự báo về khí tượng, thuỷ văn. Bởi đây là câu chuyện sống còn của ngành điện. EVN thông qua Tổng cục khí tượng thuỷ văn, mua các dữ liệu từ đối tác nước ngoài, có dự báo sát thực tế nhất về khả năng phát điện của hệ thống điện mặt trời và điện gió.
“Đối với điện gió, có một vấn đề không phù hợp với nhu cầu là khi cao điểm nắng nóng, khả năng phát điện của điện gió là thấp nhất. Ở Việt Nam, thời điểm gió tốt nhất là tháng 11 đến tháng 3. Những tháng cao điểm nắng nóng, gió rất ít, phải trông vào điện mặt trời – trong khi điện mặt trời chỉ phát được vào ban ngày, không phát được vào ban đêm”, ông Lâm cho biết.
Giải pháp quan trọng nhất để đảm bảo đủ điện trong mùa khô năm 2023, theo ông Lâm chính là tiết kiệm điện. Trong đó, thiết bị phải giảm đầu tiên là điều hoà, bởi điều hoạ là “thủ phạm” ngốn điện, chiếm tỉ trọng rất cao.
“Chúng tôi khuyến cáo nên để điều hoà từ 26 độ trở lên, không nên để dưới mức 26 độ. Đồng thời, tiết giảm các dịch vụ điện như tắt các thiết bị điện ở những khu vực chiếu sáng không cần thiết. Từng cấu phần một sẽ giảm được chi phí tiêu thụ điện”, ông nói.
Ngoài các giải pháp kỹ thuật, tập đoàn này đề nghị Bộ Công Thương họp với các đơn vị để bàn giải pháp khẩn cấp hỗ trợ EVN tháo gỡ khó khăn. PVN cung cấp khí ổn định, ưu tiên cấp khí cho phát điện.
Đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp vận hành cùng lúc, như huy động tối ưu các nguồn thủy điện, kết hợp tăng truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc; tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải, hoặc thậm chí sẽ ngừng, giảm phụ tải trong các tình huống cực đoan.
Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, tổng công suất lắp đặt nguồn điện gió của toàn quốc được công nhận vận hành thương mại (COD) và đưa vào vận hành đến nay là 3.980 MW.
Tuy nhiên, qua số liệu thống kê cho thấy tình trạng không nhiều thời điểm điện gió phát cao hơn mức 2.000 MW (tức là 50% so với tổng công suất lắp đặt) vẫn duy trì trong tháng 4 và 5.2022.
Thậm chí, tổng công suất phát của điện gió toàn quốc xuống thấp còn dưới 1.000 MW vẫn diễn ra phổ biến trong thời gian qua, có thời điểm khả năng phát điện từ gió rất thấp, gần như không đáng kể.