Giảm bớt áp lực
Do xác định dùng chứng chỉ IELTS như một “tấm vé” vào đại học, nhiều học sinh lớp 12 đã luyện thi và cầm trong tay chứng chỉ này từ đầu lớp 12. Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), năm 2023, thí sinh có điểm IELTS 4.0 sẽ được quy đổi thành 10 điểm tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này giúp các thí sinh giảm đáng kể áp lực khi mùa thi đang cận kề.
Bản thân đã có chứng chỉ IELTS và có nộp xét tuyển vào một vài trường đại học, Khánh Phương (học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng việc các trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS giúp các thí sinh có nhiều cơ hội để vào trường đại học mình yêu thích. “Theo em, ưu điểm lớn nhất của bằng IELTS sẽ là giúp học sinh giảm bớt sự căng thẳng khi xét tuyển vào các trường đại học. Với phương thức xét tuyển bằng IELTS, em thấy điểm chuẩn của các trường cũng sẽ thấp hơn so với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT” – Khánh Phương nói.
Đồng quan điểm với Khánh Phương, Hà Văn Hưng (học sinh lớp 12 trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng: “Thi IELTS cũng khá áp lực nhưng so với ôn các môn để xét tuyển đại học thì em nghĩ thi IELTS vẫn là lựa chọn tốt hơn đối với em”.
Chỉ xét riêng việc được quy đổi thành 10 điểm tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT cũng đã giảm áp lực đáng kể cho nhiều thí sinh. “Có điểm IELTS 7.0, em được miễn thi môn tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT nên đây cũng một thuận lợi với em trong thời gian này. Em chọn tổ hợp Khoa học Tự nhiên nên cũng hơi khó khăn và áp lực nên giờ không ôn môn tiếng Anh, em sẽ có nhiều thời gian để ôn những môn còn lại” – bạn Vũ Văn Đức Kiên (học sinh lớp 12 Trường Marie Curie, Hà Nội) chia sẻ.
Việc có chứng chỉ IELTS từ 6.5 trở lên không chỉ giúp các thí sinh có điều kiện xét tuyển các trường đại học trong nước mà còn có thể “săn” học bổng để đi du học.
Chứng chỉ IELTS chỉ là điều kiện ưu tiên
Hiện tại còn những tranh cãi về việc xét tuyển bằng phương thức IELTS vì dễ tạo ra sự bất công giữa những học sinh thành thị và những học sinh ở nông thôn không có điều kiện để tiếp cận với phương thức này. Điều này được lý giải bằng việc các trường đại học lấy ít chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng IELTS và thường có các điều kiện học tập khác đi kèm.
“IELTS chỉ là điều kiện ưu tiên chứ không phải xét trực tiếp. Tôi nghĩ do đặc thù của tuỳ từng trường sẽ tìm những thí sinh có tiềm năng để xem xét. Đối với trường Đại học Sư phạm Hà Nội, các thí sinh đăng ký xét tuyển bằng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế phải thoả mãn điều kiện đã tốt nghiệp THPT năm 2023 có hạnh kiểm tất cả các học kỳ đạt loại Tốt, có học lực giỏi cả 3 năm ở bậc THPT” – GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói.
Theo ThS. Trần Nam- Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM, việc phân bố chỉ tiêu hợp lý và thêm các điều kiện học tập kèm theo giúp tạo sự công bằng giữa các thí sinh: “Các trường có thể xét phương thức quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế theo chuẩn riêng, đó là quyền chủ động. Tuy nhiên, cần tính toán tỉ lệ chỉ tiêu phù hợp để đảm bảo các học sinh không có điều kiện thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế vẫn có cơ hội bình đẳng. Như vậy, chúng ta có thể tạo ra một “cuộc chơi” bình đẳng cho các bạn học sinh”.
Tính tới thời điểm hiện tại, đã có 81 trường đại học chấp nhận phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Trong đó, thí sinh có IELTS từ 4.5 trở lên có cơ hội xét tuyển vào nhiều trường đại học.
*Nhiều sĩ tử an tâm vì đã có chứng chỉ IELTS: