“Vậy câu hỏi đặt ra là khi nào, nhưng tôi không thể đưa ra thời gian biểu cho việc đó” – ông Stoltenberg nói thêm.
Tháng trước, khi tới thăm Kiev, người đứng đầu NATO cũng đưa ra tuyên bố tương tự. Điều này đã khiến Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng NATO không thực sự bận tâm về việc Budapest có đồng ý hay không.
Ông Stoltenberg nói với tờ Washington Post, NATO đang giúp Kiev “chuyển đổi từ các thiết bị, học thuyết và tiêu chuẩn” để “có thể tương thích với các lực lượng NATO”, đồng thời cải cách và hiện đại hóa các thể chế quân sự và quốc phòng của Ukraina.
Theo ông Stoltenberg, NATO có hai nhiệm vụ cơ bản trong cuộc xung đột, một là hỗ trợ Ukraina, hai là ngăn chặn leo thang “bằng cách làm rõ rằng NATO không tham gia vào cuộc xung đột”. Ông Stoltenberg lập luận, việc triển khai 40.000 quân tới Đông Âu cũng giúp tránh leo thang với Nga.
Tổng thư ký – người điều hành NATO từ tháng 10.2014 – cũng tiết lộ Mỹ, Canada và Anh đã cung cấp 78% hỗ trợ của khối cho Ukraina, đồng thời huấn luyện quân đội Kiev từ năm 2014.
“Cuộc chiến ở Ukraina đã thay đổi căn bản NATO, nhưng cần nhớ rằng cuộc chiến không bắt đầu vào năm 2022. Cuộc chiến bắt đầu vào năm 2014” – ông Stoltenberg nói với tờ Washington Post, đồng thời lưu ý, tất cả các thành viên của khối đã “tăng đáng kể” trách nhiệm chi tiêu quân sự kể từ đó.
Cũng trong ngày 9.5, Mỹ công bố gói viện trợ mới cho Ukraina trị giá 1,2 tỉ USD, bao gồm các hệ thống phòng không, đạn dược cho hệ thống phòng thủ chống máy bay không người lái, đạn pháo 155 mm… Gói viện trợ cũng bao gồm hỗ trợ huấn luyện, bảo trì và duy trì các hoạt động.