Theo những ngư dân tại đây, ốc móng rồng hay còn gọi là ốc móng quỷ thường sống bám trên những trụ đá chắn sóng ven biển. Chúng được người dân ví như món quà quý mà thiên nhiên ban tặng cho ngư dân ven biển xã Bạch Long.
Chị Nguyễn Thị Liên – một ngư dân tại đây – cho biết, bắt ốc phụ thuộc vào thủy triều, mỗi tháng chỉ làm được khoảng 15 – 20 ngày. Công việc bắt đầu từ 3h – 10h sáng, khi nước rút lộ ra những trụ đá, nơi ốc móng rồng bám vào. Nhiều con bám ngay bề mặt dễ nhìn, nhưng cũng có con ẩn mình dưới ngóc ngách, buộc ngư dân phải luồn tay tìm.
“Dụng cụ để săn ốc gồm móc sắt, chiếc đèn pin soi đầu, găng tay, túi hoặc xô đựng ốc. Ốc móng rồng phải được thu hoạch trực tiếp mới đảm bảo hương vị tươi ngon.
Khi bắt cũng phải khéo léo bởi nó bám rất chắc vào trụ đá, nếu bị rách trực tiếp khi tách ra khỏi đá, ốc sẽ chết và không thể tiêu thụ được. Hôm nào may mắn sẽ bắt được cả chục cân ốc”, chị Liên nói.
Mưu sinh bằng nghề bắt ốc, chị Nguyễn Hải Châu – ngư dân tại đây – chia sẻ, mùa ốc móng rồng bắt đầu từ cuối tháng 3, kéo dài đến tháng 9 âm lịch, rộ nhất vào dịp giữa hè. Ốc móng rồng có 2 phần, phần trên rất mọng nước, có hình bàn tay với nhiều móng vuốt. Phần dưới khá ngọt, khi tách ra, ốc có vị thanh, mát. Trung bình, mỗi ngày, chị bắt được từ 5 – 10 kg ốc.
“Phần lớn ốc được thương lái thu mua để xuất sang Trung Quốc. Chính vì vậy, khi cửa khẩu mở cửa sau dịch COVID-19, giá ốc tăng lên khoảng 300.000 – 400.000 đồng/kg, tùy vào kích thước”, chị Châu nói.
Cũng theo chị Châu, tuy mang lại thu nhập cao hơn so với các loại ốc khác nhưng người dân phải đối mặt với nguy hiểm luôn cận kề, bởi những cơn sóng dữ liên tục vỗ vào bờ và không hề được báo trước.
“Chỉ cần sơ sẩy một chút có thể gặp nguy hiểm do những cơn sóng ập vào xô người vào đá khiến chúng tôi có thể bị trầy xước, gãy tay chân. Làm nghề này luôn ngâm mình trong nước nên phải có sức khỏe tốt và kiên trì thì mới thu hoạch được nhiều”, chị Châu chia sẻ.