Ngày 10.5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp Hội đồng Thẩm định Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch).
Tại phiên họp, GS.TS Nguyễn Xuân Huấn, Giảng viên cao cấp Đại học quốc gia Hà Nội đề nghị cần nâng diện tích các khu bảo tồn ở những vùng đa dạng sinh học, có hệ sinh thái quan trọng; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các khu bảo tồn mới thiết lập…
Ông Võ Nguyên Chương – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho rằng, đánh giá kỹ về tác động của quy hoạch đối với tăng trưởng kinh tế – xã hội; số hoá dữ liệu để các địa phương sử dụng khi điều chỉnh, cập nhật đồng bộ với các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
Nêu thực tế những nơi có tỉ lệ che phủ rừng cao thì người dân rất nghèo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên Phạm Đức Toàn kiến nghị, việc bảo tồn đa dạng sinh học phải gắn liền với việc tạo sinh kế, nâng cao mức sống cho người dân địa phương, khai thác hiệu quả giá trị kinh tế do đa dạng sinh học đem lại, trong đó có việc thực hiện quy hoạch mới thực chất.
Theo Cổng thông tin Chính phủ, phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đây là quy hoạch bao trùm lãnh thổ đất liền, vùng biển quốc gia nên có liên quan chặt chẽ với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch đất đai, quy hoạch biển cũng như các quy hoạch ngành nông nghiệp, công nghiệp, môi trường, y tế, thuỷ sản, giao thông vận tải, quốc phòng, an ninh, quy hoạch của địa phương…
Vì vậy, quy hoạch phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất, không xung đột, chồng chéo với các quy hoạch khác.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, đơn vị tư vấn cần đổi mới phương pháp tiếp cận, quan điểm, tư duy xây dựng quy hoạch. Trong đó xác định chính xác vai trò, vị thế của tài nguyên đa dạng sinh học, phương thức khai thác, sử dụng bền vững cho phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái, bảo đảm môi trường sống bền vững. Đặc biệt, Quy hoạch phải đánh giá được tác động đến việc phát triển kinh tế-xã hội, và ngược lại.
Nhấn mạnh quan điểm “bảo tồn để phát triển, phát triển dựa vào bảo tồn”, Phó Thủ tướng cho rằng quy hoạch cần “vừa tĩnh, vừa động” hoặc “vừa đóng, vừa mở”.
Thứ nhất là nhóm mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, giải pháp có cơ sở pháp lý chắc chắn, đã được triển khai trên thực tế. Thứ hai là bộ công cụ, tiêu chí mang tính mở, linh hoạt để xác định những giá trị tài nguyên đa dạng sinh học tại các khu vực, hệ sinh thái cần bảo tồn, đồng thời phục vụ phát triển kinh tế, gắn với sinh kế người dân.
Phó Thủ tướng phân tích, nếu bảo tồn chỉ đơn giản là khoanh lại và giữ nguyên thì không phát triển được kinh tế, ngược lại chỉ tập trung phát triển kinh tế thì sẽ không thể bảo tồn hiệu quả.
Do vậy, quy hoạch phải hài hoà hai mục tiêu này, trong đó bảo tồn phải thay đổi trước một bước, “đánh thức” giá trị cảnh quan, tài nguyên đa dạng sinh học để quản lý, khai thác, sử dụng triệt để, bền vững bằng các dịch vụ sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Đối với các hệ sinh thái như rừng đồng bằng, đất ngập nước ven biển đang bị suy thoái, suy giảm thì phải có công cụ, tiêu chí để xác định, chứng minh giá trị kinh tế, sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu cao hơn nhiều so với việc chuyển đổi sang làm nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm khu công nghiệp… thì mới bảo tồn được”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.
Phó Thủ tướng cũng gợi mở những định hướng lớn, quan điểm, tư duy mới về quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học như: Trong đô thị cũng có thể có các khu bảo tồn như rừng, hồ, đất ngập nước, trong các khu bảo tồn cũng có thể hình thành đô thị, thậm chí trong một toà nhà cũng có thể bảo tồn một hệ sinh thái đầy đủ…
“Có như vậy mới có thể gắn bảo tồn đa dạng sinh học với phát triển, khai thác dịch vụ xanh, kinh tế xanh, du lịch…, bảo tồn vì nhân sinh, hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn mới về bảo tồn đa dạng sinh học trên thế giới”, Phó Thủ tướng nói.