Theo tìm hiểu của Lao Động, hoạt động cung cấp nước sạch cho khu vực nội đô TP Hà Nội đang có 5 đơn vị kinh doanh sản xuất tham gia, bao gồm Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Hawacom), Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco), Công ty Cổ phần nước sạch Sông Đuống, Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco).
Trừ Công ty Cổ phần nước sạch Sông Đuống đang thua lỗ nặng nề và Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông lãi mỏng, dữ liệu tài chính của 3 doanh nghiệp còn lại cho thấy các công ty đang thu lãi lớn với lĩnh vực cung cấp nước cho người dân tại Hà Nội những năm qua.
Đơn cử, đối với Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco), kết thúc năm 2022, doanh nghiệp này đưa về gần 549 tỉ đồng doanh thu. Sau khi khấu trừ các loại chi phí, Viwasupco báo lãi sau thuế 201 tỉ đồng.
Tương ứng tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) là 36,6%, đồng nghĩa với trong năm 2022, có 100 đồng doanh thu sẽ tạo ra được gần 37 đồng lợi nhuận sau thuế – tỉ suất đáng mơ ước đối với mọi ngành nghề và doanh nghiệp.
Tương tự, năm 2022, doanh thu Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco) đạt 676 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 87 tỉ đồng. Như vậy, ROS của Viwaco là 12,8% (100 đồng doanh thu sẽ tạo ra gần 13 đồng lợi nhuận).
Đến thời điểm hiện tại, trên Website của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Hawacom) mới chỉ công bố báo cáo đã kiểm toán 6 tháng đầu năm 2022.
Theo đó, kết thúc nửa bán niên năm vừa qua, doanh thu Hawacom đạt 942 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 100 tỉ đồng. Tương tứng ROS ở ngưỡng 10,6% (100 đồng doanh thu tạo ra gần 11 đồng lợi nhuận sau thuế).
Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông (Nước sạch Hà Đông) là doanh nghiệp nhà nước duy nhất trong số các công ty cung cấp nước cho Hà Nội đã đề cập trong bài ghi nhận lợi nhuận đưa về khiêm tốn.
Theo đó, trong năm vừa qua, doanh thu Nước sạch Hà Đông đạt 365 tỉ đồng, thế nhưng lợi nhuận đưa về xấp xỉ 5 tỉ đồng. Như vậy, chỉ số ROS trong năm của Nước sạch Hà Đông là 1,36% – thấp hơn rất nhiều lần so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Báo cáo tài chính của Nước sạch Hà Đông cho thấy, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận công ty teo tóp đến từ việc giá vốn bán hàng neo cao, trong khi đó chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp phình to.
Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân là Công ty Cổ phần nước sạch Sông Đuống báo lỗ sau thuế hơn 275 tỉ đồng trong năm 2022. Doanh nghiệp này lỗ luỹ kế gần 1.109 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 109 tỉ đồng.
Mới đây, Sở Tài chính Hà Nội vừa có tờ trình gửi UBND TP Hà Nội về phương án điều chỉnh giá nước sinh hoạt trên địa bàn.
Theo đó, giá bán lẻ nước sinh hoạt 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) từ 5.973 đồng/m3 hiện nay sẽ tăng lên 7.500 đồng/m3 trong 6 tháng cuối năm 2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024. Mức giá cao nhất với nước sinh hoạt trong năm 2024 sẽ là 27.000 đồng/m3 nếu sử dụng trên 30 m3/hộ/tháng.