Ngày 7.5, cảnh sát tỉnh Cam Túc (Trung Quốc) thông báo trên mạng xã hội WeChat của nước này rằng, một nghi phạm tên Hong đã sử dụng AI ChatGPT để tạo tin giả về một vụ tai nạn tàu hỏa nghiêm trọng làm 9 người thiệt mạng ở tỉnh này, theo CNN.
Hong đã bắt đầu bị điều tra sau khi thông tin vụ tai nạn được đăng lên mạng ngày 25.4 vừa qua bằng 21 tài khoản mạng xã hội Baijiahao khác nhau. Nhiều bài đăng trong đó đã thu hút tới 15.000 lượt xem. Theo công an tỉnh Cam Túc, nghi phạm Hong khai đã nhập các câu chuyện giật gân vào ChatGPT để tạo nội dung mới, sau đó sử dụng những tài khoản mạng xã hội khác nhau để vượt kiểm duyệt rồi chia sẻ tin giả nhằm “câu view”.
Dù dịch vụ ChatGPT bị cấm ở Trung Quốc nhưng người dùng vẫn tìm cách truy cập thông qua VPN. Hong bị bắt với cáo buộc “gây rối trật tự”, đối mặt mức phạt tối đa 5 năm tù, theo công an tỉnh Cam Túc.
Đài CGTN của Trung Quốc cho biết, đây là vụ bắt giữ đầu tiên liên quan đến việc dùng ChatGPT để lan truyền tin giả ở nước này. Trong khi đó, đài CNBC cho rằng, đây là ví dụ rõ ràng nhất về nỗ lực điều chỉnh và quản lý việc sử dụng AI của chính phủ Trung Quốc trong bối cảnh công nghệ này đang lan tới mọi ngóc ngách trên thế giới.
Vào tháng 1, chính phủ Trung Quốc cũng ban hành quy định quản lý “công nghệ tổng hợp sâu” liên quan đến những siêu AI như ChatGPT hoặc deepfake. Trong đó, có một số điều khoản quan trọng như phải có sự đồng ý của người dùng nếu hình ảnh của họ được sử dụng trong bất kỳ công nghệ tổng hợp sâu nào, không được dùng siêu AI để phát tán tin giả, dịch vụ deepfake cần xác thực danh tính người dùng.
Trung Quốc cũng thể hiện sự ủng hộ tới các doanh nghiệp trong nước tự phát triển mô hình trí tuệ nhân tạo riêng. Các công ty Trung Quốc cũng không hề kém cạnh trong cuộc đua AI khi vào ngày 16.3, Baidu công bố chatbot Ernie Bot. Một tháng sau đó, vào ngày 7.4, Alibaba giới thiệu AI Tongyi Qianwen tương tự như ChatGPT của OpenAI.