Mới đây BuyMed – Công ty khởi nghiệp dược phẩm của Việt Nam – đã gọi vốn thành công 51,5 triệu USD (tương đương khoảng 1.184 tỉ đồng) từ các nhà đầu tư lớn trong khu vực.
Đại diện BuyMed chia sẻ, với khoảng 20.000 khách hàng hoạt động hàng tháng, ngoài thị trường Việt Nam, BuyMed còn có mặt tại 3 quốc gia Đông Nam Á khác là Singapore, Thái Lan và Campuchia.
Theo ông HongJin Kim – Giám đốc Điều hành Quỹ đầu tư STIC Investment tại Hàn Quốc – với vốn đầu tư vào khởi nghiệp khoảng 600 triệu USD/năm, trong đó khoảng 300 triệu USD đầu tư vào Việt Nam với đa dạng ngành nghề, đơn vị này tin rằng dòng tiền vào thị trường sẽ tăng trưởng trong trung hạn.
Đáng chú ý, STIC Investment rất chú trọng đến các dự án về hạ tầng kĩ thuật thanh toán số, thương mại điện tử, logistics, xây dựng nền tảng, tiếp cận công nghệ và đầu tư vào quản trị nguồn nhân lực và các lĩnh vực có liên quan.
Nhận định năm 2023 là cơ hội để doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam tập trung nhiều hơn vào sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, bà Kim Ngọc Thanh Nga – Trưởng ban Phát triển Hệ sinh thái, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) – nhấn mạnh, trong giai đoạn từ năm 2023 trở đi, một ngành công nghệ mà Việt Nam phải tập trung là công nghệ xanh, để phục vụ cho nhiệm vụ tăng trưởng xanh và tăng trưởng bền vững của Việt Nam.
Nhiều tổ chức quốc tế mới đây đã tham gia thị trường cũng đang tiếp cận các startup, thiết lập chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp startup phát triển nền tảng công nghệ như vậy.
Báo cáo về đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2023 mới đây cho thấy, vốn đầu tư mạo hiểm đang có chiều hướng giảm do chịu tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu. Sự ảnh hưởng này đặc biệt rõ rệt kể từ thời gian của nửa cuối năm 2022 với giá trị đầu tư giảm 65% do khủng hoảng trong ngành công nghệ ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, số lượng thương vụ tăng lên vào nửa cuối năm 2022 tại Việt Nam cho thấy hoạt động đầu tư vẫn diễn ra đều đặn dù giá trị đầu tư giảm.
Bà Lê Hoàng Uyên Vy – Giám đốc Điều hành Quỹ đầu tư Do Ventures – đánh giá, quy mô dòng vốn sụt giảm vì thiếu vắng các thương vụ lớn nhưng số thương vụ cả năm chỉ giảm nhẹ, cho thấy các nhà đầu tư vẫn rót đều đặn vào Việt Nam. Hầu hết các vòng gọi vốn đều giảm cả về số lượng và giá trị thương vụ. Tuy nhiên, giá trị đầu tư trong các vòng gọi vốn từ 10 – 50 triệu USD lại tăng nhẹ, trong khi đó, các thương vụ trị giá hơn 50 triệu USD giảm mạnh, điều này đã dẫn đến sự sụt giảm đáng kể về tổng giá trị đầu tư trong năm vừa qua.