Mới đây, Sở Tài chính đã trình UBND TP Hà Nội về kế hoạch điều chỉnh giá nước sinh hoạt.
Theo đó, giá nước sạch sinh hoạt bình quân trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng lên mức 11.911 đồng/m3. Còn sang năm 2024, giá mặt hàng này được tăng 12% so với cuối năm lên 13.323 đồng/m3.
Cụ thể, 10m3 đầu tiên có giá là 7.500 đồng/m3; từ trên 10m3 – 20m3 là 8.800 đồng/m3; từ trên 20m3 – 30m3 là 12.000 đồng/m3; trên 30m3/tháng là 24.000 đồng/m3.
Đến năm 2024, tùy theo lượng sử dụng, giá nước sẽ tăng tương ứng từ 1.000 – 4.000 đồng/m3.
Thông tin này đã khiến nhiều người lao động lo ngại sẽ phải chi trả thêm một khoản sinh hoạt phí không nhỏ mỗi tháng.
Khó khăn thêm khó khăn
Bà Lê Thị Ngọt (72 tuổi, làm nghề thu mua đồng nát, sinh sống tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) tỏ ra khá bất ngờ trước thông tin giá nước sạch sinh hoạt sẽ được điều chỉnh tăng trong thời gian tới.
Bà Ngọt chia sẻ, gia đình có 5 người nên mỗi tháng bà phải chi trả khoảng hơn 300.000 đồng/tháng tiền nước.
Nếu tính theo mức giá sắp được điều chỉnh và mức dùng hiện tại của gia đình thì có khả năng bà phải chi trên dưới 400.000 – 500.000 đồng/tháng để mua nước sinh hoạt.
“Tôi thực sự rất lo lắng trước thông tin giá nước sẽ tăng cao như vậy. Mỗi tháng đã phải chi trả khoảng từ 1.200.000 đồng/tháng đến 1.300.000 đồng/tháng tiền chi phí sinh hoạt, nay tiền nước cũng tăng lên.
Thu nhập ít ỏi của tôi chắc không đủ để thích nghi trước tình cảnh vật giá leo thang nhanh như hiện nay” – bà Ngọt nói.
Cùng chung nỗi lo với bà Ngọt, ông Bùi Quang Nhiệm (48 tuổi, Thái Bình) đang sinh sống trong khu nhà trọ cũ dành các công nhân xây dựng tại địa bàn phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy cũng tỏ ra hết sức băn khoăn trước thông tin này.
Theo ông Nhiệm, tại một số khu vực có những người ở tỉnh đến Hà Nội làm việc, thuê nhà trọ sẽ phải buộc tính theo giá kinh doanh.
Trong khi đó, đa phần người ngoại tỉnh có hoàn cảnh khó khăn nên mới lên Hà Nội để kiếm việc, như vậy cũng sẽ gây khó cho những đối tượng này.
“Hiện nay, công nhân chúng tôi sinh sống tại khu trọ này đang phải đang phải đóng 70.000 đồng/người/tháng. Trước tình hình giá nước tăng như vậy, chắc chắn chủ trọ cũng sẽ điều chỉnh giá thu tăng lên, ít nhiều ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt của anh em ở đây” – ông Nhiệm nói.
Đành “thắt lưng buộc bụng”
Trước bối cảnh giá nước dự kiến tăng, bà Lê Thị Ngọt cho hay, nếu như ở quê thì còn có biện pháp là khoan giếng hoặc sử dụng nước mưa để giảm thiểu chi phí, nhưng ở thành phố thì chỉ có cách chấp nhận.
“Thôi cũng đành vậy, cố gắng thắt lưng buộc bụng và sử dụng tiết kiệm hơn để có thể thích ứng với thực tế” – bà Ngọt nói.
Còn ông Bùi Quang Nhiệm cho rằng, có thể tăng giá một ít, chứ không nên tăng nhiều, bởi mỗi người dân có hoàn cảnh khác nhau.
“Bản thân tôi chỉ mong giá cả được điều chỉnh sao hợp lý để những người lao động kịp thích nghi.
Việc tăng giá nước là tăng theo quy định, tăng toàn dân, miễn là phải bảo đảm nguồn nước sạch, chất lượng cao, nếu giá tăng cao thì lại phải dùng tiết kiệm lại, không lãng phí” – ông nói.
Ông Nhiệm cũng cho biết thêm, nếu chi phí chi trả cho tiền nước sinh hoạt tăng cũng đồng nghĩa sẽ cắt giảm bớt các khoản chi tiêu khác.
Tất cả các khoản phải được tính toán làm sao để vừa đáp ứng được cuộc sống sinh hoạt ở thành phố, vừa có được khoản dư để gửi về cho gia đình.
Lý giải nguyên nhân điều chỉnh tăng giá nước, Sở Tài chính cho hay, nhu cầu sử dụng nước sạch tại Hà Nội ngày một tăng do tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, dân số tăng cơ học.
Đời sống của người dân càng được nâng cao thì yêu cầu về sản lượng và chất lượng nước sạch ngày càng cao, trong khi nguồn nước ngầm suy giảm và có dấu hiệu ô nhiễm, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách rất hạn chế.
Sở Tài chính khẳng định, mức tăng thiết kế theo lộ trình hai đợt, cơ bản không tác động đến thu nhập của người dân, đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt vì tiền nước chỉ chiếm 0,72% tổng thu nhập và chi tiêu mỗi tháng của một hộ gia đình tại khu vực thành thị.