Luật sư Hà Thị Khuyên – Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) phân tích, việc không chấp hành biển báo giao thông, biển báo tuyến đường dành riêng cho các phương tiện, hiệu lệnh của cơ quan chức năng… diễn ra ngày càng nhiều.
Theo đó, nhiều trường hợp đưa đến hệ lụy đáng tiếc là những vụ tai nạn thương tâm, gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của những người tham gia giao thông.
Hiện nay pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi không chấp hành quy định khi tham gia giao thông.
Cụ thể tại khoản 6 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, có quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
Tuy nhiên, ở trường hợp cô gái điều khiển xe máy đi vào cao tốc Đại lộ Thăng Long phải đánh giá suy xét trên nhiều góc độ, trong đó có góc độ pháp lý.
Theo hồ sơ, khoảng 7h20 cùng ngày, chị N.T.T.V (23 tuổi, trú tại Phúc Yên, Vĩnh Phúc) đi xe máy trên Đại lộ Thăng Long, hướng từ Hòa Lạc đi về đường Trần Duy Hưng.
Khi đi đến Km4 +00 đường Đại lộ Thăng Long, xảy ra va chạm giữa xe máy do chị V điều khiển với ôtô khách. Vụ va chạm khiến chị V tử vong tại chỗ.
Theo luật sư Khuyên, tại Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 và Nghị quyết 02/2022/HĐTP thì phương tiện giao thông được xem là “nguồn nguy hiểm cao độ”.
Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ “phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra ngay cả khi không có lỗi”, trừ các trường hợp thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Đối chiếu trong vụ tai nạn trên, về nguyên tắc, chủ sở hữu, người điều khiển ôtô phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân ngay cả khi không có lỗi, trừ trường hợp việc cô gái tử vong hoàn toàn do lỗi cố ý của cô gái này (cố tình điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc).
Phần lớn các vụ tai nạn giao thông thường là lỗi hỗn hợp, lỗi của hai hoặc nhiều bên. Việc bồi thường sẽ theo quy định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, xem xét đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại cần xét yếu tố lỗi của cô gái.
Vì theo quy định tại Điều 585 Bộ Luật Dân sự và Nghị quyết 02/2022/HĐTP thì trường hợp cơ quan chức năng kết luận chủ phương tiện cũng có một phần lỗi thì gia đình cô gái sẽ không được nhận toàn bộ khoản bồi thường, mà sẽ bị trừ đi phần được bồi thường thiệt hại tương ứng với phần lỗi đó.
Cơ quan chức năng sẽ xác định người điều khiển ôtô có chú ý quan sát, giữ đúng khoảng cách theo quy định, đã đi đúng tốc độ, đúng làn đường hay không để có căn cứ xác định lỗi.
Về chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường, cơ quan chức năng sẽ xác định ai là chủ sở hữu, tài xế là chủ sở hữu phương tiện hay người khác.
Nếu tài xế điều khiển xe không phải chủ sở hữu thì xác định xem chủ sở hữu giao xe đúng luật hay không, các bên có thỏa thuận về trách nhiệm gì khi xảy ra tai nạn hay không.
Từ đó, căn cứ vào hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2022/HĐTP để xác định ai phải bồi thường. Trường hợp kết quả điều tra cho thấy tài xế chính là chủ sở hữu chiếc xe nói trên, tài xế này phải có trách nhiệm bồi thường.
Còn nếu tài xế là người lái xe thuê, đơn vị vận tải thuê tài xế này phải bồi thường và đơn vị này sẽ yêu cầu tài xế thực hiện trách nhiệm với đơn vị thuê tài xế này theo quy định tại Điều 600 Bộ luật Dân sự năm 2015 về Bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra.
Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.