Giảm 3/4 đàn lợn
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Hoàng Văn Chung (xã Phú Lương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) cho biết, những lúc cao điểm, ông có đàn lợn lên tới 2.000 con. Tuy nhiên, từ 2020, chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Trong khi đó, giá lợn hơi xuống thấp, có lúc xuống còn 47 nghìn đồng/kg. Đến nay, giá lợn hơi nhích lên những vẫn chỉ ở mức 53 nghìn đồng/kg.
Do đó, ông Chung giảm dần đàn lợn. Hiện nay, đàn lợn của ông chỉ còn khoảng 500 con với 2 người làm công. Với tình hình này, không biết ông còn trụ vững đến bao giờ?
Không chỉ những người làm ăn lớn, nhiều gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ ở nông thôn cũng điêu đứng vì lợn rớt giá. Chị Hoàng Thị Liên (ở xã Toàn Thắng, huyện Kim Đông, tỉnh Hưng Yên) thông tin, hiện nay, gia đình chị nuôi được 10 con lợn. Chị tính toán cuối tháng 4 xuất chuồng lo việc gia đình. Tuy nhiên, cuối tháng 4, giá lợn hơi xuống thấp. Chị Liên băn khoăn có nên bán đàn lợn hay không bởi chị vẫn hy vọng giá lợn có thể tăng thêm. Tuy nhiên, nếu giữ đàn lợn quá lâu, chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ tăng rất cao.
Cần tính trước đầu ra
Theo Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm, chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá thức ăn ở mức cao trong khi giá thịt hơi ở mức thấp.
Tính đến cuối tháng 4, giá thịt lợn hơi cả nước dao động trong khoảng 51.000 – 55.000 đồng/kg. Giá sản phẩm thịt lợn tháng 4.2023 giảm 5,09% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi lớn vẫn có khả năng hiện hữu.
Tính đến cuối tháng 4, dịch lở mồm long móng vẫn còn ở Bến Tre; dịch viêm da nổi cục còn ở Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và dịch tả lợn châu Phi còn ở 13 địa phương chưa qua 21 ngày.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, từ đầu tháng 5, giá lợn hơi bắt đầu nhích lên do đây là thời điểm bắt đầu mùa du lịch. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì giá lợn hơi thời điểm này vẫn khá thấp.
Về việc phát triển đàn lợn một cách bền vững, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Dương cho biết, giá lợn giảm một phần do lượng cung vượt quá cầu, do đó, trước khi tái đàn, người chăn nuôi, nhất là doanh nghiệp chăn nuôi lớn cần chủ động đánh giá nhu cầu tiêu thụ trong nước, dự đoán được nguồn cung nhập khẩu từ nước ngoài; chi phí cho việc tái đàn và duy trì đàn.
Ông Dương đánh giá, thời gian qua, ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng gặp nhiều khó khăn, nhà nước cần điều chỉnh lại việc quy hoạch ngành, quy hoạch thị trường cũng như mức độ điều chỉnh việc nhập khẩu từ nước ngoài; tăng cường kiểm soát dịch bệnh.
Bên cạnh đó, phải tính đến việc xuất khẩu. Việt Nam là nước nông nghiệp, chăn nuôi nhưng chúng ta chưa phát huy được thế mạnh của mình. Nếu không xuất khẩu, sản phẩm làm ra sẽ dư thừa, câu chuyện thua lỗ vẫn chưa được giải quyết. Khi đó, đời sống của người chăn nuôi vẫn sẽ rất bấp bênh.
Thời gian tới, nhà nước cần có trợ lực cho người chăn nuôi. Bên cạnh việc quy hoạch lại ngành. Nhà nước cần quy hoạch về quỹ đất để chăn nuôi. Hiện tại ở một số địa phương, không ít nơi phải di dời để phát triển các công trình công cộng, hoặc di dời ra xa khu dân cư nhưng chưa bố trí quỹ đất cho nhà chăn nuôi.