Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết, tuyến cáp dài 750 km dưới Biển Baltic nối tới Estonia sẽ thay thế đường ống dẫn khí Nord Stream giữa Nga với Đức và chấm dứt sự thất bại trong chính sách năng lượng của Berlin.
Trang Recharge và Clean Energy Wire đưa tin, nhà điều hành hệ thống truyền tải của Đức (TSO) 50Hertz và công ty Elering của Estonia có kế hoạch phát triển một tuyến cáp dài 750 km dưới Biển Baltic liên kết các trang trại gió ngoài khơi với cả hai quốc gia, trong khi Latvia và Lithuania cũng bày tỏ quan tâm hợp tác sâu rộng về năng lượng gió ngoài khơi.
Ý tưởng về đường kết nối Đông – Tây được đưa ra khi Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu tại Diễn đàn năng lượng gió ngoài khơi Baltic ở Berlin hôm 9.5 rằng, chính sách năng lượng của Đức ở khu vực Biển Baltic là một thất bại lớn và giờ đây sẽ phải được sửa chữa thông qua việc chuyển hướng mạnh mẽ sang năng lượng gió ngoài khơi.
Ngoại trưởng nói thêm, việc Đức nhất quyết xây dựng đường ống Nord Stream 2 để nhập khẩu khí đốt từ Nga – bất chấp việc các nước láng giềng trong khu vực coi dự án này là một sai lầm nghiêm trọng – khiến Đức phải trả giá đắt.
“Họ đã đúng và chúng tôi đã sai” – Ngoại trưởng Baerbock nói, đồng thời cho biết thêm rằng Đức đã trả tiền cho mỗi mét khối khí đốt Nga bằng cách từ bỏ an ninh của mình “không những một mà hai lần”, sau khi hoạt động kinh doanh khí đốt bị đình trệ sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina.
Thay vì Nord Stream, trọng tâm bây giờ là xây dựng năng lượng gió ngoài khơi ở Biển Baltic cùng với các nước đối tác. Ngoại trưởng Baerbock nói: “Mỗi tuabin gió là một khoản đầu tư cho an ninh của chúng ta vì nó sẽ giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia mà chúng ta không phải lúc nào cũng có thể dựa vào”.
Ngoại trưởng cho biết có khả năng xây dựng công suất sản xuất điện gió ngoài khơi lên tới 93 gigawatt (GW) ở Biển Baltic, nhưng cảnh báo rằng điều đó sẽ không dễ, đòi hỏi đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và an ninh – như các cuộc tấn công vào hai đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 năm 2022 đã cho thấy.
Theo bà Baerbock, các khoản đầu tư điện gió ngoài khơi hiện nay đi kèm với vấn đề an ninh. Tuy nhiên, Đức đã quyết tâm từ bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga và giờ đây sẽ quyết tâm xây dựng năng lượng tái tạo nhằm từ bỏ vĩnh viễn phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Đức đã tìm cách tăng cường hợp tác trong việc sử dụng năng lượng gió chung ngoài khơi với các nước láng giềng ở Biển Baltic. Mặc dù Đức là một trong những quốc gia đi đầu trong việc triển khai năng lượng gió ngoài khơi, nhưng phần lớn các cơ sở lắp đặt của nước này lại nằm ở Biển Bắc.