Trước ngày được công nhận là “Khu bảo tồn thiên nhiên”, người dân Đà Nẵng gọi khu vực bán đảo Sơn Trà là “rừng cấm” vì nó được bảo vệ nghiêm ngặt, và gần như không có ai được vào khu vực này du ngoạn, hoặc khai thác sản vật, kể cả đến nhặt một cành củi.
Thiên nhiên tại đây mặc sức sinh sôi nảy nở, đóng vai trò “lá phổi xanh” cho thành phố. Tính đến thời điểm này, theo thống kê, rừng Sơn Trà là nơi sinh sống của 366 loài động vật, trong đó, lớp thú có 42 loài, chim có 162 loài, lớp bò sát 55 loài; thực vật bậc cao hơn 1.000 loài. Đặc biệt có loài linh trưởng đặc hữu Voọc chà vá chân nâu quý hiếm, có trong danh sách cảnh báo tuyệt chủng (sách đỏ) của thế giới.
Tuy vậy, sau khi được công nhận là Khu bảo tồn thiên nhiên, đồng thời với việc chính quyền địa phương quản lý, cho phép khai thác du lịch, xây dựng đền chùa, Sơn Trà đang trở thành “điểm đến” với hàng vạn du khách mỗi ngày.
Du lịch mang lại lợi ích, nhưng kéo theo đó là những hệ lụy, gây hại cho thiên nhiên. Hàng loạt công trình kiến trúc bê tông cốt thép được đặt vào giữa vùng lõi khu bảo tồn hay sát bờ biển… thay đổi diện mạo tự nhiên và tập quán sống của muôn loài tại đây.
Hình ảnh không còn hiếm lúc này là hàng đàn khỉ vàng hoang dã, với hàng trăm cá thể kéo nhau lang thang trên những con đường du lịch để xin thức ăn du khách; hàng trăm người mỗi ngày đi sâu vào các ngõ ngách sâu kín nhất của khu bảo tồn lén lút săn, bẫy chim thú, bán cho các quán nhậu và người có nhu cầu… gây nên thảm cảnh những con khỉ vàng què tay, cụt chân, chim, chồn bị bẫy bắt, rụng lông, gãy cánh.
Trong vòng 10 năm (2003 – 2013), chính quyền Đà Nẵng đã giao 1.222,5 ha đất Khu Bảo tồn thiên nhiên, trong đó có hơn 163 ha, cho chủ đầu tư 18 dự án phát triển du lịch, nghỉ dưỡng xây dựng 1.920 biệt thự, 24 bungalow và 306 buồng khách sạn (tương đương khoảng 5.600 buồng phòng khách sạn).
Mạnh tay hơn, UBND TP.Đà Nẵng còn phê duyệt quy hoạch rừng đặc dụng bán đảo Sơn Trà với diện tích là 2.591 ha, cắt giảm 1.280 ha để đưa diện tích rừng này vào các dự án, so với diện tích được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định là 3.871 ha.
Một chuyên gia nhận định, với hàng ngàn lượt người tham quan, săn ảnh, bẫy thú… mỗi ngày (cao điểm du lịch còn cao gấp nhiều lần), chắc chắn đang tác động mạnh mẽ đến tập quán cư trú và sinh sống của hàng trăm loài thú và thực vật tại đây, đặc biệt là loài linh trưởng, vốn dạn dĩ tò mò và thích gần gũi con người.
Du lịch là ngành công nghiệp không khói, là mũi nhọn kinh tế, nhưng không thể vì lợi ích kinh tế trước mắt mà quên vấn đề môi trường, đó là quan điểm của Chính phủ và từng được nhắc nhở nhiều lần với các địa phương.
Bút mực viết về sự tổn hại của Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà cũng đã nhiều, nhưng sẽ không bao giờ đủ, nếu chính quyền Đà Nẵng vẫn thiếu một tầm nhìn lâu dài; biết vận dụng một cách thông minh giá trị hiếm có của tự nhiên Bán đảo Sơn Trà, phục vụ cho phát triển kinh tế địa phương.
Thử vào trình tìm kiếm hai từ khóa Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng), đến thời điểm hiện tại (5.2023), Google ra thông báo con số 50 triệu thông tin trong 0,63 giây tìm kiếm. Quả là kỷ lục, nhưng cũng mang lại không ít lo lắng khi con người để lại dấu chân trong khu bảo tồn thiên nhiên này ngày càng nhiều.