Gang thép Thái Nguyên: Cần thêm 210 triệu USD?
Đây là dự án được cho là có khả năng hồi sinh lớn nhờ nỗ lực từ nhiều phía. Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tỉnh Thái Nguyên đã cùng thống nhất kế hoạch khôi phục dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (Dự án TISCO2).
Hồi tháng 4 năm nay, đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đã có buổi khảo sát thực địa và làm việc với Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên về Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2.
Ông Nguyễn Hoàng Anh thông tin Uỷ ban đã đề nghị phía MCC- Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC), tổng thầu EPC – tập trung nhân lực, đẩy nhanh tiến độ các nội dung công việc, khẩn trương hoàn thành báo cáo đánh giá thiết bị, công trình và lập phương án mua sắm, sửa chữa thiết bị công trình, phương án khôi phục Dự án TISCO2; các đơn vị liên quan đến Dự án TISCO2 tiếp tục phối hợp chặt chẽ giải quyết tồn tại, vướng mắc và đưa ra phương án tốt nhất với mục tiêu quyết tâm khôi phục Dự án TISCO2.
Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Về phía tỉnh Thái Nguyên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ luôn đồng hành hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa để Dự án sớm được khôi phục, góp phần giữ vững uy tín, vị thế của TISCO và đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Theo báo cáo mới nhất của Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên, ngày 24.4.2023 MCC có văn bản kèm dự án khôi phục dự án TISCO2 kèm theo tổng dự toán đầu tư khôi phục TISCO2 là 210,18 triệu USD (không bao gồm thuế, phí tại Việt Nam), thời gian hoàn thành việc khôi phục là 27,5 tháng.
Gang thép Lào Cai: Gặp khó trong tái cơ cấu
Hai dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và nhà máy gang thép Lào Cai thuộc Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (gọi tắt là Công ty VTM).
Công ty VTM có vốn điều lệ 52,5 USD, được thành lập trên cơ sở liên doanh giữa Tổng Công ty Thép Việt Nam (chiếm 46,85%); Công ty Cổ phần Khoáng sản Lào Cai (chiếm 8,15%) và Công ty hữu hạn khống chế Cổ phần gang thép Côn Minh – Trung Quốc (chiếm 45%) hoạt động theo Giấy Chứng nhận đầu tư ngày 18.5.2006 do Bộ KH&ĐT cấp, thời gian hoạt động 40 năm để thực hiện Dự án khai thác mỏ sắt Quý Xa và Dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai.
Theo Giấy Chứng nhận đầu tư Dự án gồm các hạng mục: Đầu tư khai thác mỏ sắt Quý Xa công suất khai thác 1,5 – 3 triệu tấn quặng sắt/năm; xây dựng nhà máy tuyển quặng deluvi công suất 300.000 tấn quặng nguyên khai/năm; đầu tư xây dựng vận hành phân xưởng gang tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng công suất 500.000 tấn gang/năm (vào 2008 – 2009); xây dựng xưởng luyện thép công suất 500.000 tấn phôi thép/năm (vào 2012); đầu tư xây dựng dây chuyền cán thép công suất 500.000 tấn thép/năm (vào 2015). Sau hơn 7 năm hoạt động, Công ty mất cân đối tài chính nghiêm trọng và có số lỗ lũy kế lớn.
Đầu năm 2023, báo Lao Động đã phản ánh tình trạng công ty VTM đang nợ gần 1 năm lương của hơn 1.000 công nhân nơi đây, các chế độ bảo hiểm, thưởng Tết đều không có. Tại khu vực nhà máy Gang thép Lào Cai, Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt – Trung, ở thị trấn Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, PV ghi nhận cảnh tiêu điều, xơ xác, máy móc dừng hoạt động, cửa đóng kín mít. Bên trong lác đác vài công nhân qua lại, bên ngoài nhà máy, cây cỏ mọc um tùm.
Cuối tháng 4.2023, tại cuộc họp với các bên, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cho biết: Hiện nay, chỉ còn 1 nội dung về quản trị doanh nghiệp, tỉnh Lào Cai hy vọng các bên sớm đi vào thống nhất. Các bên liên quan cần lưu ý tuân thủ những quy định của pháp luật Việt Nam về luật đầu tư, luật doanh nghiệp và luật khoáng sản.
Được biết cho tới thời điểm hiện tại đề án tái cơ cấu VTM mới chỉ đang ở giai đoạn dự thảo.
Đóng tàu Dung Quất: Làm rõ 3 phương án
Sau khi tiếp nhận từ Vinashin, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã triển khai tái cấu trúc toàn diện Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất về nhân sự, sắp xếp các đơn vị thành viên, thị trường sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tinh giản số lượng lao động từ 2.300 người xuống còn hơn 650 người được bố trí việc làm, thu nhập ổn định, mức lương bình quân của công nhân 10 triệu đồng/tháng và bảo đảm các điều kiện phúc lợi khác
Theo báo cáo, từ năm 2010 đến nay, Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất đã đóng mới, hoán cải, sửa chữa 182 tàu; trong đó, 68 tàu trong ngành, 30 tàu nước ngoài,… Tổng doanh thu 8.616 tỉ đồng; hiện Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất đang lỗ hơn 2.600 tỉ đồng, do giai đoạn trước bàn giao để lại. Dù các cấp có thẩm quyền rất quan tâm, chỉ đạo, nhưng đến thời điểm hiện nay tiến độ xử lý chưa đạt mục tiêu đề ra. Vì vậy, sớm hoàn thành đề xuất phương án khả thi để xử lý dứt điểm.
Đầu tháng 4.2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương đã khảo sát hiện trường và làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và các bộ, ngành, cơ quan liên quan về phương án xử lý đối với Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.
Tại cuộc họp, các bộ, ngành, cơ quan liên quan và lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi có ý kiến về các phương án xử lý, giải quyết đối với Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất. Ba phương án xử lý gồm: chuyển đổi chủ sở hữu, phương án phá sản Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất theo quy định của pháp luật, tiếp tục tái cơ cấu Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.
Quan điểm của PVN là mong muốn tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, bảo đảm công ăn việc làm cho 650 lao động.
Chính phủ yêu cầu việc đề xuất phương án xử lý đối với Công ty DQS, bảo đảm tính thống nhất để sớm có phương án khả thi, hiệu quả nhất, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.