Cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ liên quan tình hình kinh tế xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9.5, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ công tác cải cách hành chính và kỷ cương chưa hiệu quả.
Theo bà Thanh, tình trạng làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, sợ sai thì tốt nhưng sợ sai đến mức thiếu trách nhiệm và không chạy việc thì mới là đáng sợ.
“Sợ sai thì đương nhiên là phải sợ sai rồi, nhưng sợ trách nhiệm và làm việc cầm chừng là một trong những tình trạng đang khá phổ biến, lan truyền”, bà Thanh nói.
Đưa ra giải pháp, bà Thanh đề nghị khẩn trương ban hành Nghị định quy định về khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Bà Thanh mong muốn trong thời gian tới xử lý được một số trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để giải quyết câu chuyện cầm chừng và sợ trách nghiệm đang khá phổ biến ở các địa phương, các ngành hiện nay.
Đồng ý với việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng tình trạng này xảy ra không chỉ ở khu vực nhà nước mà cả ở khu vực ngoài nhà nước, có tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai không dám làm.
Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ phân tích rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan để có giải pháp giải quyết các tồn tại. Trong đó, cần tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ cương hành chính, công vụ.
“Nhà nước nhỏ, xã hội lớn, Chính phủ là Chính phủ kiến tạo, Nhà nước kiến tạo. Hôm qua đã nói rõ rồi để khắc phục tình trạng một bộ phận, chưa biết là lớn hay nhỏ nhưng cả trung ương, địa phương, nhất là trung ương lẩn tránh trách nhiệm, né tránh trách nhiệm, sợ sai và không chịu làm.
Cái này có ghi chính thức rồi, việc đấy có thật, thiếu trách nhiệm, lẩn tránh, đùn đẩy, việc của mình thì đẩy cho người khác, việc cấp dưới thì đẩy cho cấp trên. Những việc này có phải là nguyên nhân chính không, nguyên nhân chủ yếu bây giờ không, mình cứ phải nói thẳng ra, tập trung vào khâu yếu này”, Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh cần khắc phục một bộ phận lẩn tránh, né tránh trách nhiệm, sợ sai, không chịu làm, đùn đẩy trách nhiệm.
Phát biểu tiếp thu ý kiến, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ hoàn chỉnh, phân tích, đánh giá kỹ hơn tình hình của năm 2022 bổ sung, đặc biệt là 4 tháng đầu năm 2023 với rất nhiều các biến động rất lớn, rất thách thức, rất nhiều khó khăn.
Ngoài những khó khăn chính từ bên ngoài, ông Dũng cho rằng có cả khó khăn từ bên trong. Khó nhất hiện này là khi tâm lý của thị trường, niềm tin xã hội và né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ thực thi các cấp hiện nay.
“Hôm trước chúng tôi có tháp tùng Thủ tướng vào TP Hồ Chí Minh. Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội, TP Hồ Chí Minh riêng năm 2022 hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư 584 văn bản. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trả lời là 604 văn bản, nhưng tất cả các vấn đề đó không quan trọng, quan trọng rằng tất cả các nội dung hỏi đều thuộc thẩm quyền của thành phố, đấy mới là quan trọng”, ông Dũng thông tin.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đấy là một hiện tượng né tránh, một hiện tượng đùn đẩy, hiện tượng đá bóng, đá lên trên xong lại ngồi chờ, tức là không làm gì. Trong khi đó, mỗi một năm của giai đoạn 2018-2021 thì TP Hồ Chí Minh cấp 1 năm trung bình khoảng 70 dự án bất động sản, nhưng trong 2 năm vừa qua TP Chí Minh cấp có 8, tức là hầu như đứng bóng, không làm gì.
“Tôi cho rằng có lẽ vấn đề lớn nhất hiện nay là cán bộ các cấp sợ, né tránh, đùn đẩy và lẩn tránh không làm, đấy tôi cho là lớn nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ.