Liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu, anh Nguyễn Văn Cơ – Công ty TNHH Kỹ thuật Daikou Việt Nam, góp ý, không nên quy định độ tuổi nghỉ hưu mà nên quy định độ tuổi tham gia BHXH bắt buộc. Bởi mỗi ngành nghề sẽ đòi hỏi mức độ lao động khác nhau, sức khỏe của mỗi người cũng khác nhau, lao động sẽ căn cứ vào tình trạng sức khỏe để quyết định thời điểm nghỉ hưu.
Tùy vào thời gian đóng BHXH sẽ tương ứng số năm nhận lương hưu và số lương hưu do các bộ, ngành tính toán để đảm bảo NLĐ không rút BHXH 1 lần, vừa đảm bảo an sinh xã hội cho NLĐ khi về hưu, nhưng ít nhất phải bằng lương tối thiểu vùng để NLĐ đủ sống.
Ngoài ra, anh Cơ đặt vấn đề NLĐ nghỉ hưởng chế độ BHXH khi con ốm đau: “Hiện Luật quy định, cha mẹ được nghỉ khi con từ 1 – 6 tuổi bị ốm, vậy con từ 7 – 18 tuổi là không bị ốm hay những đứa trẻ đó có thể tự đi khám khám bệnh, tự chịu trách nhiệm về sức khỏe của mình mà cha mẹ nghỉ đưa con đi khám bệnh, không được nghỉ hưởng chế độ BHXH”, anh Cơ đặt vấn đề.
Theo chị Nguyễn Thị Quyên – Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng, hiện việc tuyên truyền về lợi ích của BHXH chưa sâu rộng, dẫn đến NLĐ không hiểu hết. Đa phần NLĐ hiện nay chỉ hiểu đóng BHXH họ sẽ được hưởng lương hưu, trường hợp NLĐ chưa kịp lãnh lương hưu mà không may qua đời thì số tiền đó sẽ mất. Đó cũng là một trong những lí do mà NLĐ rút BHXH 1 lần.
“NLĐ không hiểu được rằng nếu không may họ mất đi thì người thân sẽ được hưởng chế độ tử tuất. Cần tuyên truyền sâu rộng để NLĐ hiểu rõ”, chị Quyên nói.
Liên quan đến mức lương hưu, bà Phạm Thị Hồng Yến – Chủ tịch Công đoàn TNHH Intel Products Việt Nam, cho biết, Luật quy định rõ mức lương tối thiểu vùng là để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của NLĐ, nếu mức lương tối thiểu khi NLĐ về hưu cũng bằng mức lương tối thiểu vùng thì NLĐ sẽ ở lại với quỹ BHXH. Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều NLĐ khi về hưu, mức lương hưu thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, điều đó sẽ khó giữ chân NLĐ gắn bó với hệ thống BHXH.
Liên quan đến vấn đề giảm số năm đóng BHXH để NLĐ tham gia BHXH muộn được nhận lương hưu, ông Lưu Kim Hồng – Chủ tịch Công đoàn Công ty Nidec Việt Nam, cho rằng, hiện nay ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước đa số là lao động trực tiếp sản xuất, đến độ tuổi 45 – 47, doanh nghiệp đã có xu hướng cắt giảm để tuyển lao động trẻ.
“Lực lượng lao động ở độ tuổi 45 – 47 bị sa thải khỏi doanh nghiệp thì ai sẽ thuê họ làm việc tiếp cho tới tuổi nghỉ hưu. Nếu vừa giảm thời gian đóng BHXH vừa tăng tuổi nghỉ hưu thì chắc chắn NLĐ sẽ rút BHXH 1 lần”, ông Hồng nhấn mạnh.