Hồi sinh dự án yếu kém
Kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5 năm nay thật đặc biệt với kỹ sư Nguyễn Trọng Cường và đông đảo cán bộ, công nhân của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 khi nhà máy này chính thức đi vào hoạt động sau 12 năm triển khai.
Là người gắn bó với dự án từ những ngày đầu khởi công, kỹ sư Cường cho biết “đã mong mỏi ngày này từ rất lâu, đến nay mới trở thành hiện thực”.
“Được làm việc tại nhà máy trong những ngày này là niềm vinh dự của chúng tôi và gia đình”, kỹ sư Nguyễn Trọng Cường chia sẻ.
Không chỉ những cán bộ, công nhân trong nhà máy, niềm vui, niềm hân hoan cũng là tâm trạng chung của người dân xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình những ngày này. Theo thống kê, có hơn hơn 1.400 hộ dân xã Mỹ Lộc đã nhường đất sản xuất để ưu tiên phát triển dự án.
“Sau khi mà nhà máy hoàn thành đi vào hoạt động, người dân quê tôi rất phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý điều hành của Chính phủ”, ông Nguyễn Mạnh Thắng, người dân xã Mỹ Lộc chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy, Thái Bình – cho hay: “Nhiệt điện Thái Bình 2 đi vào hoạt động sẽ góp phần để Thái Thụy đạt mục tiêu nâng giá trị sản xuất ngành công nghiệp năm 2023 đạt trên 23.000 tỉ đồng”.
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 chỉ là một trong nhiều dự án từng bị đánh giá là yếu kém, gặp khó khăn dai dẳng của ngành Công thương được hồi sinh và khởi sắc những năm gần đây.
Tính đến thời điểm hiện tại, các dự án nằm trong danh sách yếu kém của ngành Công Thương đã giảm 5 dự án, bao gồm: DAP-1 Hải Phòng và 4 dự án, doanh nghiệp khác thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Riêng DAP-1 Hải Phòng thuộc Tập đoàn Hóa chất cơ bản khắc phục các tồn tại yếu kém, sản xuất kinh doanh có lãi.
Bốn dự án, doanh nghiệp khác thuộc PVN gồm: Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ cơ bản không còn vướng mắc về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của cơ quan Nhà nước.
Như vậy, hiện chỉ còn 7 dự án yếu kém ngành Công Thương đang tiếp tục được xử lý.
Chính phủ nỗ lực xử lý hiệu quả các vướng mắc
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá, các dự án yếu kém của ngành Công thương có kết quả khởi sắc những năm gần đây là kết quả từ nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế và tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Như đối với dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, việc hồi sinh dự án này được thực hiện trong điều kiện khó khăn, các quy định pháp luật còn nhiều chồng chéo, vướng mắc và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19.
Ngày 15.7.2021, khi Thủ tướng triệu tập lãnh đạo các bộ ngành, tỉnh Thái Bình và các chủ thể liên quan để bàn về phương hướng hồi sinh nhà máy cũng là thời điểm bùng phát dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam.
Khi đó, các đại biểu đề nghị phải tăng thêm 4.800 tỉ đồng từ ngân sách cho dự án và cuối cùng, Thủ tướng kết luận, không dùng thêm ngân sách, mà phải cơ cấu lại trong tổng vốn đầu tư, vận dụng sáng tạo các quy định hiện hành, sử dụng nguồn vốn của Petrovietnam nếu còn thiếu vốn.
Đến nay, việc hồi sinh dự án không những không phải sử dụng thêm vốn của Nhà nước, của Tập đoàn, mà ngược lại, có thể tiết kiệm hơn 200 tỉ đồng tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.
Ông Nguyễn Hùng Dũng – thành viên HĐTV PVN cho rằng, từ khi Thủ tướng chỉ đạo cụ thể tại dự án thì công việc đã tiến triển rất nhanh, các cấp, các ngành vào cuộc cùng nhau tháo gỡ khó khăn, nắm bắt từng chi tiết, từng mốc tiến độ để hoàn thành công việc.
“Nếu không có sự chỉ đạo sâu sát từ Chính phủ đến các bộ, ngành, chắc chắn dự án không thể triển khai được. Từ một dự án có thể “đắp chiếu”, đến giờ chúng ta đã nhìn thấy sự hồi sinh và cả tương lai phía trước”, ông Dũng chia sẻ.