Bất thường giá mua giấy gấp 1,7 lần
Một trong những nội dung gây nhiều chú ý nhất trong Kết luận 2303 của Thanh tra Chính phủ về thanh tra chuyên đề công tác quản lí nhà nước về giáo dục đào tạo tại NXB Giáo dục giai đoạn từ năm 2014-2018 chính là nội dung giải thích vì sao gia đình học sinh phải mua SGK với giá cao hơn tới 85 tỉ đồng so với giá thực tế.
Trong kết luận này, Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng, trong việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất SGK theo phương thức chào hàng cạnh tranh, việc xác định nhu cầu sản xuất của NXB Giáo dục không sát thực tế nên lượng hàng tồn kho lớn (chủ yếu là giấy in), làm tăng chi phí lãi vay, dự phòng giảm giá hàng tồn kho dẫn đến giảm hiệu quả sử dụng vốn.
NXB Giáo dục cũng chưa bổ sung đăng kí kinh doanh nhập khẩu giấy in hoặc tổ chức thực hiện việc ủy thác nhập khẩu giấy in để giảm bớt chi phí trung gian, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sách giáo khoa. Đáng chú ý từ trước năm 2014 và trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2019, NXB Giáo dục chỉ thu thập báo giá của một số ít nhà thầu cung cấp giấy in, chỉ có 2 đến 3 đơn vị được lựa chọn cung cấp giấy in SGK trong một năm, lặp đi lặp lại trong nhiều năm.
Đặc biệt từ năm 2014 – 2019, Cty Cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng được lựa chọn cung cấp chiếm 83,1% số lượng giấy của NXB Giáo dục (tương ứng hơn 1.890 tỉ đồng). Trong khi đó, kiểm tra xác suất một số hợp đồng cung cấp giấy in của Cty Cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng cho NXB Giáo dục (1/3 tổng lượng giấy in đã cung cấp, tương ứng hơn 528 tỉ đồng), Thanh tra Chính phủ nhận thấy giá giấy in mà công ty này bán cho NXB Giáo dục cao bình quân gấp khoảng 1,7 lần giá giấy công ty nhập khẩu trực tiếp (tương ứng số tiền chênh lệch khoảng hơn 210 tỉ đồng). “Những nội dung nêu trên cho thấy việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất SGK theo phương thức chào hàng cạnh tranh của NXB có nhiều điểm bất thường, chưa bảo đảm công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế” – Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.
Nhập nhằng thuế GTGT và chi phí chung
Trong khi đó đối với việc xác định giá trần các gói thầu in SGK bằng hình thức đấu thầu, Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng, NXB Giáo dục bán 3 loại giấy in có mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào là 5% cho các nhà trúng thầu in SGK. Tuy nhiên khi xây dựng giá trần của gói thầu in, NXB Giáo dục tính chung vào với mức thuế của dịch vụ in SGK có thuế suất thuế GTGT là 10%.
Việc này làm giá trần gói thầu tăng thêm 5% thuế GTGT của 3 loại giấy dẫn đến gia đình học sinh phải mua SGK bằng giá NXB Giáo dục đăng kí từ năm 2011, cao hơn giá SGK phải đăng kí đúng giá với số tiền hơn 14,8 tỉ đồng.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra, số tiền lãi vay đưa vào giá trần của các gói thầu in sách được NXB Giáo dục tính thuế GTGT đối với chi phí lãi vay là chưa phù hợp quy định tại Thông tư số 219/2013 của Bộ Tài chính và khiến giá trần các gói thầu tăng, dẫn đến gia đình học sinh phải mua SGK bằng giá NXB đã đăng kí từ năm 2011, cao hơn giá SGK phải đăng kí đúng giá với số tiền 325,2 triệu đồng.
Hơn nữa, bên cạnh việc chi tỉ lệ chiết khấu lên tới 25% là quá cao so với một số mặt hàng độc quyền thiết yếu khác, NXB Giáo dục từ trước năm 2014 và từ năm 2014 đến thời điểm có kết luận thanh tra (cuối năm 2022) cũng chưa thực hiện xây dựng tiêu chí cụ thể để phân bổ cho từng mảng hoạt động mà chỉ lựa chọn và thực hiện tiêu thức phân bổ các chi phí chung vào giá thành SGK dựa trên tiêu thức tỉ lệ doanh thu.
Đồng thời phân bổ chi phí chung không đúng tỉ lệ doanh thu của SGK trên tổng doanh thu, làm tăng chi phí chung được phân bổ cho SGK cao hơn so với số liệu thực tế số tiền gần 70 tỉ đồng.
Việc này “dẫn đến gia đình học sinh phải mua SGK bằng giá NXB đã đăng kí từ năm 2011 cao hơn giá SGK phải đăng ký đúng giá với số tiền 69.980,4 triệu đồng” – Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Thanh tra Chính phủ kết luận rằng, trong giai đoạn từ năm 2014 – 2018, quá trình xây dựng giá gói thầu in SGK, hạch toán của NXB có sai sót dẫn đến gia đình học sinh phải mua SGK bằng giá NXB đã đăng kí giá từ năm 2011 (được ấn định trên bìa SGK) cao hơn giá SGK phải đăng kí đúng giá với số tiền khoảng hơn 85 tỉ đồng.