Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường
Thanh tra Chính phủ chỉ ra, 4 Công ty CP Sách và Thiết bị giáo dục (Miền Bắc, Trung, Nam, Cửu Long) là đại lí cấp 1 của NXB Giáo dục Việt Nam được hưởng 5%; các công ty sách và thiết bị trường học địa phương trong khu vực là đại lý cấp 2 được hưởng từ 7 – 8%; các đại lí, cửa hàng sách, các trường học là đại lý cấp 3, được hưởng từ 12-13%.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam – cho biết, hiện chúng ta vẫn để cho các nhà xuất bản quy định giá theo cơ chế thị trường nhưng không thể để các doanh nghiệp muốn định giá ra sao cũng được.
Ông Thoả cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành định mức kinh tế kĩ thuật về sản xuất sách giáo khoa để các nhà biên soạn căn cứ vào đó sản xuất.
Ngoài ra, Bộ này cũng cần ban hành quy chế giá riêng cho sách giáo khoa ngoài quy định chung do Bộ Tài chính ban hành. Rõ ràng, có những lỗ hổng lớn trong việc kiểm soát vấn đề định giá, kê khai giá sách giáo khoa hiện nay của doanh nghiệp. Chính từ vị trí độc quyền và tận dụng những lỗ hổng ấy đã tạo điều kiện cho các hành vi sai phạm.
Thanh tra Chính phủ còn xác định, từ năm 2014 đến hết tháng 8.2019, có tới 73/193 cuốn sách giáo khoa học sinh có thể viết vào sách được in, phát hành và bán được tổng hơn 303 triệu bản, gây lãng phí cho gia đình học sinh và xã hội số tiền tạm tính là hơn 2.374 tỉ đồng. Chưa kể, hầu hết gia đình học sinh khi mua sách giáo khoa đều mua sách bài tập kèm theo do NXB phát hành, có dấu hiệu lợi ích nhóm giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với NXB trong việc in ấn, phát hành sách bài tập.
Cần sớm đưa vào danh mục Nhà nước định giá
Ông Trần Tú Khánh – nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo) từng cho biết, sách giáo khoa là mặt hàng đặc biệt liên quan tới giáo dục, tới tương lai của hàng triệu trẻ em. Nếu thả nổi, mặc cho giá sách nâng cao lên 3-4 lần so với hiện nay là điều không thể được. Nếu không đưa vào danh mục nhà nước định giá, sẽ khó bảo đảm các đơn vị xuất bản không liên kết để nâng giá cao hơn nhiều lần sách hiện hành. Gánh nặng chi phí từ đó dồn lên vai người dân… Vừa qua, theo dự thảo Luật Giá (sửa đổi), sách giáo khoa là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Mặt hàng này được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bổ sung vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Tại nghị quyết Kì họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã thống nhất, yêu cầu bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá. Theo Tờ trình của Chính phủ, việc định giá sách giáo khoa sẽ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa, các nhà xuất bản quyết định giá cụ thể.
Trao đổi với PV Lao Động, đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong Luật Giá (sửa đổi), các biện pháp về kê khai giá, niêm yết giá cũng được quy định rõ tại Luật nhằm đảm bảo các biện pháp kiểm soát gián tiếp đối với giá hàng hóa, dịch vụ; hướng đến tăng cường công khai, minh bạch trong việc mua, bán, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh tế, trong đó có quyền, lợi ích của người dân, nhất là người dân nghèo.
Bộ Tài chính hiện đang phối hợp với Ủy ban Tài chính, ngân sách để giải trình tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo chất lượng, tiến độ, trình Quốc hội thông qua tại Kì họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.