Thứ nhất, từ câu chuyện bàn tay, vang lên tiếng kêu cứu về ý tưởng kiến trúc công cộng. Bỏ qua những câu chuyện khác, ý tưởng xây dựng những bàn tay bên bãi biển chắc hẳn là từ mong muốn có điểm nhấn thu hút khách du lịch. Nhưng vấn đề ở đây là lười suy nghĩ và chủ quan. Ý tưởng này không mới mà là copy cái đã có. Nếu Hoằng Hóa tổ chức một cuộc thi kiến trúc hay tham vấn những người có chuyên môn thì chắc hẳn đã không có những bàn tay nham nhở, kêu cứu giữa biển nước như thế.
Thứ hai, là tiếng kêu cứu về quan điểm thực hiện các công trình công cộng. Dù UBND huyện Hoằng Hóa cố giải thích với cấp trên, có ý “cãi” lại dư luận khi cho rằng “các điểm quan sát, cảnh báo du khách tắm biển có kiến trúc hình cánh tay, không phải là công trình nghệ thuật điêu khắc; đồng thời, biển Hải Tiến không phải là di tích danh lam thắng cảnh nên việc xây dựng các công trình nêu trên không thuộc đối tượng phải xin ý kiến, thỏa thuận với các cơ quan chức năng quản lý về văn hóa”. Đó là một kiểu… cãi cùn.
Những người thực hiện công trình này cần hiểu rằng, đã là công trình công cộng, dù lớn hay bé cũng phải tính toán sự ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực có thể phát sinh cho cộng đồng. UBND huyện Hoằng Hóa tự ý làm, thích là làm, không cần “xin ý kiến” hay “thỏa thuận với các cơ quan chức năng” và cũng không thực hiện tham vấn ý kiến cộng đồng, tính tới sự tác động tiêu cực cho cộng đồng. Bởi thế nên nó mới chình ình làm hẹp không gian bãi tắm bằng những tấm bê tông nham nhở, thi công vội vã, tiềm ẩn nguy cơ và đã có thương tích cho du khách tắm biển. Đó là cách làm thiếu khoa học và không tôn trọng các cơ quan hữu quan và quan trọng hơn là không tôn trọng cộng đồng.
Và cuối cùng là sự kêu cứu trong việc sử dụng ngân sách một cách tùy tiện, vô tội vạ. Theo trả lời của người có trách nhiệm huyện Hoằng Hóa, chi phí cho 5 bàn tay “khổng lồ” nham nhở này hết 300 triệu đồng trong dự án tổng thể tạo cảnh quan cho khu đi bộ dọc bờ biển Hải Tiến với tổng mức đầu tư 10 tỉ đồng.
Tuy nhiên, nhiều lần phóng viên Lao Động đặt vấn đề công khai các văn bản dự toán thực tế, các cơ quan chức năng huyện này đều lờ đi. Vì vậy, 5 bàn tay này thực chi bao nhiêu chưa được xác thực. Nhưng dù 300 triệu hay 500 triệu thì cũng là tiền từ ngân sách. Nghĩa là không phải là tiền túi cá nhân ai và bãi biển càng không phải ao nhà một vị nào đó.
Vậy tại sao lại tự ý làm mà không cần “xin phép”, “thỏa thuận” hay “tham vấn”? Nếu nơi nào cũng làm như vậy thì đâu còn là kỷ cương. Dù có không phải là “công trình kiến trúc” hay “danh lam thắng cảnh” thì cách làm cũng phải cẩn trọng, tôn trọng cái đẹp, tôn trọng thực tế, tôn trọng cộng đồng và trên hết là đảm bảo an toàn cho người dân.
Làm chòi canh là để đảm bảo an toàn cho du khách tắm biển nhưng chính công trình này lại gây nguy hiểm cho du khách. Xảy ra tai nạn, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa có chịu trách nhiệm?