Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, ngày 4.5.2023, các lực lượng chức năng Philippines đã giải cứu hơn 1.000 người, trong đó có công dân Việt Nam, bị ép buộc làm việc trong cơ sở do Tập đoàn Clark Sun Valley Hub làm chủ ở Pampanga, gần thủ đô Manila.
“Những người này hiện đang lưu trú an toàn tại một cơ sở do cơ quan chức năng Philippines bố trí” – bản tin bảo hộ công dân tối 9.5 của Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ.
Theo Bộ Ngoại giao, ngay sau khi nhận được thông tin, trong các ngày 6.5 và ngày 9.5, Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đã đến thăm hỏi, tiến hành phỏng vấn, lên danh sách và thu thập thông tin các công dân Việt Nam; hỗ trợ thuốc men cho một số người bị ảnh hưởng về sức khỏe.
Đại sứ quán hiện đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng sở tại để lên phương án hỗ trợ công dân sau khi phía Philippines ra kết luận cuối cùng về vụ việc.
Bộ Ngoại giao cũng đã chỉ đạo Cục Lãnh sự ngay trong ngày 9.5 mời Đại sứ quán Philippines tại Việt Nam đến và đề nghị phía Philippines hỗ trợ, trước mắt đảm bảo nơi ăn ở cho các công dân Việt Nam, sớm thông báo cho phía Việt Nam tình trạng cư trú của các công dân này, hỗ trợ Việt Nam đưa các công dân không được Philippines cho cư trú về nước trong thời gian sớm nhất; đề nghị phía Philippines tăng cường hợp tác trong xử lý tình trạng công dân Việt Nam bị cưỡng ép lao động và xử lý nghiêm minh các cơ sở vi phạm.
Trường hợp công dân có thông tin về người thân, gia đình đang bị lao động cưỡng bức, lừa đi lao động ở nước ngoài, đề nghị cung cấp cho Tổng đài bảo hộ công dân +84 981848484, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao (email: [email protected]), đường dây nóng bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines +63 9982756666 hoặc cơ quan đại diện Việt Nam nơi gần nhất.
Theo trang Inquirer của Philippines, hơn 1.000 người, chủ yếu là người châu Á, đã được chính quyền Clark Freeport Zone, tỉnh Pampanga giải cứu.
Theo đó, từ ngày 3-4-5, các đặc vụ của Nhóm Cảnh sát Chống Tội phạm Mạng Quốc gia Philippines (ACG) đã đột kích 6 tòa nhà 5 tầng của Colorful and Leap Group – cơ sở của Clark Sun Valley Hub, trên đại lộ Jose Abad Santos, thành phố Mabalacat.
Tổng cộng có 1.090 cá nhân – gồm 389 người Việt Nam, 307 người Trung Quốc, 171 người Philippines, 143 người Indonesia, 40 người Nepal, 25 người Malaysia, 7 người Myanmar, 5 người Thái Lan, 2 người Đài Loan (Trung Quốc) và 1 người từ Hong Kong (Trung Quốc) – đã được giải cứu và đưa vào danh sách là nạn nhân của nạn buôn người.
Theo ACG, hơn 1.000 người này bị buộc phải làm việc ít nhất 18 giờ/ngày trong “ngành công nghiệp lừa đảo trên mạng” sử dụng các khoản đầu tư giả mạo và tiền điện tử làm mồi nhử.
Người phát ngôn của ACG Michelle Sabino cho hay, các khiếu nại chính thức đã được đệ trình lên Bộ Tư pháp Philippines về 12 người vận hành cơ sở này, trong đó có 7 người Trung Quốc, 4 người Indonesia và 1 người Malaysia.