Tháng 4 nóng nhất của châu Á
Các nhà khí tượng học đang cảnh báo về nhiệt độ kỉ lục trên khắp châu Á trong năm nay, khi khu vực này trải qua những đợt nắng nóng tàn khốc và đối mặt với một tương lai có thể nóng quá mức chịu đựng.
Trên toàn cầu, 8 năm qua là kỉ lục nóng nhất được ghi nhận. Các sự kiện thời tiết khắc nghiệt đang phổ biến hơn, các chuyên gia cảnh báo tần suất và cường độ của các đợt nắng nóng và những điều tương tự sẽ chỉ tăng nhanh khi biến đổi khí hậu tiếp tục gây ảnh hưởng.
Tiến sĩ Wang Jingyu của Viện Giáo dục Quốc gia Singapore – người nghiên cứu mô hình khí hậu và tương tác đất – khí quyển – cho hay, tháng trước là “tháng 4 nóng nhất ở châu Á”.
Ông cho rằng, sức nóng dữ dội là do hiện tượng El Nino sắp quay trở lại cùng những tác động của mô hình khí hậu này, khiến lượng mưa giảm và nhiệt độ tăng.
Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên Hợp Quốc tuần trước dự báo với độ chắc chắn 80% rằng, El Nino sẽ xuất hiện vào tháng 10 năm nay và có 60% khả năng mô hình khí hậu này phát triển ngay sau tháng 7.
Một cậu bé 11 tuổi ở Malaysia đã chết vì sốc nhiệt và mất nước vào tháng trước khi nhiệt độ cao tới 40 độ C, cùng ít nhất 5 người cần được chăm sóc y tế. Luang Prabang ở Lào đạt mức 42,7 độ C và nhiệt độ lên tới 45 độ C ở Myanmar.
Ở Bangladesh, mặt đường chảy nhựa dưới sức nóng chói chang ở thủ đô Dhaka. Tại Ấn Độ, chính quyền các bang đóng cửa trường học và giới chức kêu gọi cho trẻ em ở nhà để tránh đau đầu và mệt mỏi.
Theo Benjamin Horton – Giám đốc Đài quan sát Trái đất Singapore tại Đại học Công nghệ Nanyang, đợt nắng nóng có cường độ như vậy không thể giải thích được chỉ bằng El Nino.
“Một cái gì đó khác cũng đang xảy ra. Trái đất đang nóng hơn, với độ ẩm trong khí quyển cao hơn đáng kể” – ông nói. Đồng thời, ông lưu ý các chu kì khí hậu dao động tự nhiên không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn tới “số lượng các sự kiện thời tiết khắc nghiệt kỉ lục gần đây”.
Các hoạt động của con người, bao gồm đốt nhiên liệu hóa thạch, phá rừng và các thay đổi khác trong sử dụng đất gây ra khủng hoảng khí hậu thông qua giải phóng lượng khí nhà kính ngày càng tăng vào bầu khí quyển, giữ nhiệt và làm nóng hành tinh.
Ông Horton cho hay, nắng nóng kỉ lục đã “làm gián đoạn sản xuất cây trồng, dẫn tới tình trạng khó khăn cho xã hội và khiến mức tiêu thụ năng lượng lên cao nhất”.
Ứng phó khô hạn, thiếu nước
Theo thống kê của Tổ chức Khí tượng Thế giới, gần 26.000 người chết trong các đợt nắng nóng trên khắp Ấn Độ từ năm 1992 đến 2020. Những năm gần đây, các đợt nắng nóng, vốn thường xảy ra ở Ấn Độ từ tháng 3 đến tháng 7, đã tăng về tần suất, thời gian và cường độ.
Năm nay, cơ quan thời tiết của Ấn Độ dự đoán nhiệt độ trên trung bình và các đợt nắng nóng sẽ kéo dài đến cuối tháng 5, do khả năng nhiệt độ tăng thêm vì El Nino cũng xuất hiện.
Các nỗ lực đã được thực hiện để triển khai các kế hoạch hành động chống nắng nóng tới các thành phố ở Ấn Độ. Tuy nhiên, những lo ngại cấp bách hơn như lạm phát cao và mất an ninh lương thực thường được ưu tiên hơn và điều này có thể gây ra thảm họa cho đất nước hơn 1,4 tỉ dân.
Lo ngại về tình trạng thiếu nước trong những tháng tới đã lan rộng khắp khu vực, khi nhiệt độ cao làm tăng khả năng xảy ra thời tiết khô hạn và hạn hán.
Tại Philippines, các cơ quan chính phủ nêu bật tầm quan trọng của việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng nước tiềm tàng do El Nino gây ra để tránh lặp lại tình hình năm 2019, khi khoảng 10.000 hộ gia đình ở khu vực Metro Manila bị mất nước do mực nước trong các hồ chứa chính của thủ đô chạm mức thấp lịch sử.
Ủy ban Tài nguyên Nước Quốc gia Philippines đã lập kế hoạch dự phòng để ứng phó với thiếu nước các đơn vị kích hoạt lại các giếng sâu.
Tháng trước, Thái Lan phát cảnh báo kêu gọi người dân tiết kiệm nước, khi Văn phòng Tài nguyên nước Quốc gia chuẩn bị ứng phó với đợt hạn hán được dự báo xảy ra ở các bang Kedah, Kelantan và Perlis lân cận của Malaysia, kéo theo tình trạng khô nóng kéo dài.
Trong khi đó, Lực lượng Không quân Hoàng gia Malaysia đã làm việc với cơ quan khí tượng của đất nước để gieo mây tại Penang nhằm bổ sung nguồn cung cấp nước cho các đập khô cạn của hòn đảo.
Theo Dwikorita Karnawati, người đứng đầu cơ quan khí tượng Indonesia, nhiệt độ cực cao đang được cảm nhận ở các vùng của đất nước. Các phương pháp đốt nương làm rẫy thường được sử dụng để khai phá đất đai để canh tác sẽ không được chấp nhận trong thời tiết khô hạn hơn của năm nay.
Các cảnh báo của chính phủ Indonesia vào tháng 2 đã khuyến khích nông dân và các đồn điền đề phòng hỏa hoạn ở Sumatra và Kalimantan trước hiện tượng El Nino.
“Chúng ta sẽ cần phải chuẩn bị cho cả những điều kiện khắc nghiệt nhất” – Bộ trưởng chính phủ Luhut Pandjaitan gần đây cảnh báo.