Theo thống kê tính đến cuối quý I/2023, những doanh nghiệp nắm giữ hơn 1 tỉ USD tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn là CTCP Tập đoàn Hoà Phát (mã chứng khoán HPG), Tổng Công ty Khí Việt Nam (mã chứng khoán GAS), Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (mã chứng khoán ACV), Lọc Hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán BSR).
Cụ thể, “ngôi vương” tiền mặt đã đổi chủ với sự lên ngôi của GAS. Doanh nghiệp này hiện nắm giữ tổng cộng 36.879 tỉ đồng, tăng hơn 2.600 tỉ đồng so với cuối năm 2022. Trong đó, gồm 5 tỉ đồng tiền mặt và hơn 26.873 tỉ đồng tiền gửi ngân hàng. Nhờ đó, GAS thu về hơn 479 tỉ đồng lãi tiền gửi và tiền cho vay, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Cái tên quen thuộc trong danh sách này là Tập đoàn Hoà Phát hiện ghi nhận gần 35.300 tỉ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, tăng 700 tỉ đồng so với đầu năm, nhưng lại giảm sâu 11.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Khép lại quý I, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam sở hữu 32.992 tỉ đồng gồm 1.263 tỉ đồng tiền mặt, số còn lại đem gửi ngân hàng thu lãi khủng hơn 1.612 tỉ đồng.
Nối sau là Lọc hoá Dầu Bình Sơn với 28.564 tỉ đồng, trong đó gồm 542 tỉ đồng tiền mặt. Còn lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của Vingroup giảm mạnh 8.500 tỉ đồng chỉ sau quý đầu năm xuống 22.000 tỉ đồng, trong khi cuối năm 2022 con số này lên tới gần 30.600 tỉ đồng.
Đặc biệt, doanh nghiệp đẩy mạnh lượng tiền trong 3 tháng đầu năm nhất là CTCP Thế giới Di Động (mã chứng khoán MWG). Cuối quý I, MWG gửi thêm 5.613 tỉ đồng lên 19.809 tỉ đồng vào kênh ngân hàng. Lượng tiền tăng đột biến nhờ dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh dương hơn 4.000 tỉ đồng trong quý I trong khi cùng kỳ năm trước âm tới 3.400 tỉ đồng.
Xét về tỉ lệ tiền mặt, ACV hiện dẫn đầu với 609%, sau là SAB (378%), GAS (349%), BSR (156%)…
Hệ số này đặc biệt hữu ích khi đánh giá tính thanh khoản của một doanh nghiệp trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp khủng hoảng (khi hàng tồn kho không tiêu thụ được, các khoản phải thu khó thu hồi). Tuy nhiên, trong nền kinh tế ổn định, một doanh nghiệp có một lượng lớn nguồn tài chính không được sử dụng có thể là doanh nghiệp đó sử dụng không hiệu quả nguồn vốn.