Sau phiên giảm mạnh cuối tuần trước, VN-Index đã một lần nữa thành công test lại trendline tăng ngắn hạn (bắt đầu từ tháng 12.2022). Cùng với đó, thanh khoản đã có sự cải thiện rõ nét khi là phiên tăng cao nhất trong hơn 2 tuần trở lại đây và vượt mức trung bình 20 phiên gần nhất.
Với phiên hồi phục ngày hôm qua, chỉ số đã tiến vào vùng kháng cự 1.050-1.060 điểm. Trong trường hợp thành công chinh phục kháng cự trên, chỉ số sẽ có cơ hội tìm về vùng đỉnh liền kề ở mức 1.080 điểm. Hiện tại, chỉ báo RSI đã trở lại trên mức 50, qua đó cho thấy xu hướng tăng đã được ủng hộ.
Về mặt vĩ mô, ở thời điểm này, thị trường chứng khoán có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen. Các yếu tố rủi ro bất định từ trong và ngoài nước vẫn đang hiện hữu có thể kể đến như lo ngại kinh tế thế giới suy thoái, rủi ro hệ thống ngân hàng quốc tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất ở mức cao, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, triển vọng thị trường có chuyển biến tích cực khi lạm phát dần hạ nhiệt, Fed tiến tới việc ngừng tăng lãi suất và chính sách tiền tệ của Việt Nam dần nới lỏng khi Ngân hàng Nhà nước đã có 2 đợt hạ lãi suất điều hành trong tháng 3.2023, cùng với đó là một số chính sách mới được ban hành nhằm hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản cũng như toàn nền kinh tế.
Thị trường trong tháng 5 thường có hiệu ứng “Bán tháng Năm và đi chơi”, nhưng năm nay có thể sẽ khác khi khá nhiều cổ phiếu gần đây có diễn biến đi lên, bất chấp VN-Index giảm điểm. Có những doanh nghiệp công bố báo cáo hoạt động kinh doanh quý I/2023 với kết quả xấu, nhưng giá cổ phiếu lại không sụt giảm, thậm chí còn tăng. Điều đó chứng tỏ, yếu tố tiêu cực đã phản ánh vào giá cổ phiếu từ trước, sắp tới là kỳ vọng vào tương lai.
Trong khi đó, có những doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận quý I đầu năm 2023 tăng trưởng mạnh, giúp cổ phiếu thu hút dòng tiền và tăng giá.
Theo phân tích của TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư của DGCapital thì diễn biến giá trên thị trường cho thấy, các cổ phiếu hiện chia thành 2 nhóm chính. Nhóm thứ nhất là nhóm đang tích lũy với thanh khoản giảm dần cùng pha với thị trường, gồm thép, chứng khoán, khu công nghiệp, đầu tư công… Nhóm thứ hai đang đi ngược thị trường.
Lãi suất là một trong những yếu tố có tác động lớn tới thị trường chứng khoán. Ngân hàng Nhà nước nỗ lực kéo giảm lãi suất và thực tế, lãi suất huy động cũng như cho vay thời gian qua được các ngân hàng điều chỉnh giảm. Nhưng để yếu tố này ngấm vào nền kinh tế và thể hiện tác động tích cực vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thì cần 3 – 6 tháng. Theo đó, từ dịp công bố báo cáo tài chính quý II/2023 trở đi, nhà đầu tư có thể bắt đầu tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng hoặc hồi phục lợi nhuận.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán (CTCK) Asean nhận định, thị trường hôm qua ghi nhận một phiên tăng điểm khá với giá đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày, trong bối cảnh thanh khoản tăng khá và ở mức trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy bên mua đang có dấu hiệu mạnh lên, và xu hướng ngắn hạn trở nên tích cực hơn. Do đó, kỳ vọng rằng thị trường sẽ tiếp tục có quán tính tăng điểm trong phiên tới.
Dự báo, VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm trong phiên sáng để kiểm định vùng kháng cự gần 1.055-1.060 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.065-1.070 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao khiến VN-Index thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày.