Rà soát, bổ sung quy định
Bộ Tài chính mới đây cho biết, đang rà soát, sửa đổi bổ sung các hành vi vi phạm hành chính về bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng trong quá trình sửa đổi, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, Nghị định số 48/2018/NĐ-CP, Nghị định số 80/2019/NĐ-CP, Nghị định số 102/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Hiện cơ quan chức năng đang triển khai, sẽ trình Chính phủ ban hành trong quý IV/2023 theo kế hoạch.
Về hoàn thiện pháp luật kinh doanh bảo hiểm, hiện nay, Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và dự thảo Thông tư hướng dẫn nhằm nâng cao chất lượng của đại lí bảo hiểm, có các quy định riêng về việc triển khai bán bảo hiểm qua ngân hàng; tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc giám sát hoạt động tư vấn của đại lí; minh bạch hóa các thông tin về hợp đồng bảo hiểm; yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phải xây dựng bản tóm tắt hợp đồng bảo hiểm trong đó nêu rõ các quyền lợi, thời hạn, các nghĩa vụ đóng phí, cung cấp thông tin và các lưu ý quan trọng khác.
Rà soát, trình Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để phù hợp với các quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 và thực trạng triển khai bảo hiểm nhân thọ trong thời gian qua.
Trong thời gian qua, vấn đề bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Nhiều ngân hàng được cho có hành vi ép khách mua bảo hiểm nhân thọ mới giải ngân khoản vay vốn. Thông qua đường dây nóng, Bộ Tài chính nhận được 350 đơn tố cáo liên quan đến vấn đề này.
Cần có khung pháp lí chặt chẽ
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Nguyên Đán – Giảng viên chuyên ngành bảo hiểm (Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh vai trò của cơ quan quản lí Nhà nước trong vấn đề xử lí khủng hoảng của ngành bảo hiểm hiện nay là hết sức quan trọng.
Cơ quan chức năng cần đưa ra những hướng dẫn, những quy định, khung pháp lí rõ ràng, xử phạt nghiêm minh để chấn chỉnh thị trường. Vị chuyên gia này lấy ví dụ về việc tại một số nước mức xử phạt còn dựa trên tỉ lệ doanh thu mới đủ sức răn đe.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng biến tướng mua bán bảo hiểm như vừa qua. Về khách quan, thị trường tài chính, chứng khoán nói riêng, gặp khó trong khi bảo hiểm đem phí đi đầu tư. Cùng với đó, hợp đồng liên kết với khách hàng để đầu tư chiếm đến 85%.
Như vậy, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã đi chệch hướng. Bên cạnh đó, pháp luật chưa nghiêm với cả bên bán và bên mua bảo hiểm. Vấn đề chủ quan là chất lượng tư vấn của nhân viên bảo hiểm chưa tốt, đâu đó cũng bị sức ép về doanh thu, chạy theo doanh số bán hàng.
Bộ Tài chính cũng đã chuyển các đơn thư có nội dung phản ánh các hành vi có dấu hiệu hình sự sang Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công An để điều tra, xử lí theo quy định pháp luật.