Quốc gia càng giàu, mạng lưới an toàn càng lớn khi khủng hoảng xảy ra, nhưng các quốc gia khác bị bỏ lại phía sau.
Khi thế giới trải qua nhiều cuộc khủng hoảng – từ thảm họa khí hậu, đại dịch COVID-19, chuỗi cung ứng và bất ổn ngân hàng – các quốc gia có ít tài nguyên hơn đã dựa vào nguồn dự trữ ngoại hối để giúp kinh tế phát triển.
Năm 2020, trong đại dịch COVID-19, các chính phủ từ Belize đến Zambia đã phải sử dụng dự trữ tiền mặt và vàng, còn Thổ Nhĩ Kỳ dùng tới một nửa lượng dự trữ của mình.
Chính phủ của các quốc gia có nhiều dự trữ hơn sẽ có mạng lưới an toàn lớn hơn khi khủng hoảng xảy ra. Đây là những quốc gia khá giả về tài chính, chẳng hạn như Nhật Bản, Thụy Sĩ và Mỹ.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Trung Quốc có lượng dự trữ tiền mặt và vàng nhiều hơn bất kì nền kinh tế nào trên thế giới, trị giá 3,43 nghìn tỉ USD.
Tiếp theo là Nhật Bản với 1,41 nghìn tỉ USD; Thụy Sĩ 1,11 nghìn tỉ USD; Mỹ 0,72 nghìn tỉ USD; Ấn Độ 0,64 nghìn tỉ USD; Nga 0,63 nghìn tỉ USD; Hong Kong (Trung Quốc) 0,5 nghìn tỉ USD; Saudi Arabia 0,47 nghìn tỉ USD; Hàn Quốc 0,46 nghìn tỉ USD; Singapore 0,43 nghìn tỉ USD; Brazil 0,36 nghìn tỉ USD; Đức 0,3 nghìn tỉ USD.
Ở thái cực ngược lại, các quốc gia có dự trữ vàng và tiền mặt ít nhất bao gồm Burundi, Samoa và nhiều quốc đảo khác. Dominica có lượng dự trữ ít nhất, trị giá 190,8 triệu USD. Tiếp theo là Burundi 266,2 triệu USD; Samoa 294,7 triệu USD; St. Vincent & Grenadines 311,9 triệu USD; Comoros 329,7 triệu USD; St. Kitts & Nevis 337,5 triệu USD; Grenada 348,3 triệu USD; Tonga 361,8 triệu USD; Antigua & Barbuda 367,5 triệu USD; Belize 420,1 triệu USD; St. Lucia 433,1 triệu USD; Micronesia 497,4 triệu USD.
Các quốc đảo và các quốc gia nghèo bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe, với rất ít hoặc không có khả năng tài chính để giải quyết những vấn đề đó.
Các quốc gia không ở trong tình trạng tồi tệ nhất vẫn có thể gặp rắc rối khi cuộc khủng hoảng tiếp theo xảy ra. Ví dụ, Bolivia chỉ có đủ dự trữ tiền mặt để chi trả cho hàng nhập khẩu trong vòng ba tháng, khiến ngân hàng trung ương của nước này phải bán USD cho các cá nhân để tăng tỉ giá hối đoái.
Trong khi đó, dự trữ của Pakistan đã giảm xuống mức thấp nhất trong 8 năm do đại dịch, lạm phát gia tăng và đồng rupee suy yếu. Pakistan cũng phải hứng chịu những trận lũ lụt thảm khốc, thiệt hại lên tới hơn 30 tỉ USD vào năm 2022.
Sri Lanka và Lebanon là những quốc gia khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi khủng hoảng kinh tế, bao gồm hệ thống lương thực không ổn định và ảnh hưởng của cuộc chiến ở Ukraina.