– Vai diễn Luyến “lươn” của Thanh Hươngtrong phim “Cuộc đời vẫn đẹp sao” chịu nhiều bất hạnh. Đóng những phận người cơ cực luôn là vai diễn nặng về tâm lý, nhưng cũng là cơ hội để diễn viên ghi dấu ấn. Trước Luyến lươn, Thanh Hương từng có Lan “cave” và loạt vai diễn có số phận đau khổ. Chị nhận những vai này vì muốn thử sức, vì hứng thú, hay vì sự ấn tượng mà số phận bi thảm của nhân vật mang lại?
Tôi sẽ nói với chị, tôi yêu và thương phụ nữ vô cùng. Tôi yêu mẹ tôi, tôi thương người bạn thân bị phản bội của tôi. Đôi khi, tôi cũng không lý giải được vì sao, tôi yêu thương họ đến như vậy. Tôi thương những mảnh đời phụ nữ quanh mình.
Tôi là người nhạy cảm, luôn dễ đồng cảm với số phận phụ nữ – những người tôi vẫn gặp ngoài đời sống. Tôi cảm nhận được nỗi đau của họ, nỗi cơ cực không thể vùng vẫy thoát ra của họ.
Trong những vai diễn của tôi, những thân phận phụ nữ ở tận cùng cực khổ, bi thương – có rất nhiều nét đời thường. Chúng ta có thể gặp họ ở ngay bên kia cửa sổ cạnh nhà, bên kia đường, hoặc ngay trong chính họ hàng, gia tộc của mình. Giữa xã hội chúng ta đang sống, có biết bao cảnh đời như thế.
Tôi đến với mỗi vai diễn, từ Lan đến Luyến, đều bằng cảm nhận của chính bản thân. Tôi dành thời gian trau dồi kiến thức, suy nghĩ về cách diễn, cách biểu cảm, tư duy cho từng cảnh…
Mỗi vai diễn ấy, tôi đều dành thời gian nhìn nhận, đánh giá từ tổng quan đến cụ thể, chi tiết. Tôi đưa vào vai những điều mình quan sát được từ thực tế, từ đó diễn bằng cảm xúc chân thành.
– Để diễn cho ra chất những người cùng khổ, cần rất nhiều đến chất liệu, trải nghiệm thật từ đời sống. Đơn cử như Hoàng Hải đóng Lưu Nát, anh ấy từng cực khổ mưu sinh, lái xe đường dài, buôn chuyến. Chị đóng Lan Cave, Luyến lươn… bằng chất liệu nào?
Tôi được đào tạo chính quy về nghề diễn, được học hỏi từ những người thầy tâm huyết như NSND Hoàng Dũng. Bởi vậy, tôi được truyền lửa, tôi yêu nghề diễn bằng tất cả những gì mình có. Đôi khi, yêu nghề hơn cả “anh người yêu”.
Anh ấy vẫn ghen, vì tôi yêu nghề hơn cả anh ấy. Chính vì yêu nên tôi chỉn chu trong công việc, và sáng tạo hết sức. Vì yêu nên tâm huyết với từng cảnh, từng câu thoại.
Hay cứ tưởng tượng, khi chị nấu ăn cho một người bạn bình thường chắc chắn sẽ rất khác với việc chị nấu ăn cho một người chị yêu thương hết mực.
Tôi yêu quá nên luôn bị thôi thúc từ bên trong, phải làm hết sức, không hời hợt được. Tôi sợ làm khán giả thất vọng.
Tôi sinh ra trong một gia đình bố mẹ làm công nhân viên chức với đồng lương ít ỏi (bố làm ngành đường sắt, mẹ làm ở bệnh viện). Bố mẹ tôi đã phải vất vả, tằn tiện nuôi chị em tôi khôn lớn.
Tôi đã va chạm, sống cạnh với những thân phận khổ đau. Hàng xóm nhà tôi khi xưa có chị là… gái điếm. Tôi đã từng đứng trên gác, nhìn thấy chị đón khách ở ngõ gần nhà.
Tôi đi đến đâu, gặp mỗi cảnh đời đều chú ý quan sát để tích lũy kinh nghiệm, cảm xúc cho mình.
– Thanh Hương từng thi hoa hậu và luôn được cho rằng có chồng đại gia, sống sung túc. Lý do gì những vai bất hạnh, khổ cực, nghèo đói lại thu hút chị? Có phải, chị sợ mình bị lẫn trong rất đông những nữ chính xinh đẹp, hào nhoáng của giờ vàng?
Nhiều người cũng hỏi tôi, tại sao một người nhiều năng lượng tích cực, vui vẻ như tôi lại hay làm những vai khổ cực, bi thương như vậy. Tôi nghĩ, đó là sự nghiêm túc của tôi dành cho nghệ thuật.
Tôi là người có tính cách đơn giản, không cầu kỳ. Tôi chịu được áp lực, khổ đau, ăn gì cũng được, ở sao cũng được.
Trong cuộc đời, ai cũng có sóng gió. Tôi chắt chiu giọt nước mắt, nỗi khổ đau cho từng vai diễn của mình.
Sau vai diễn, khi trở về nhà với người thân, tôi sẽ luôn vui vẻ. Tôi không muốn người thân phải lo lắng cho mình. Tính tôi luôn muốn mang niềm vui đến cho mọi người.
– Khán giả cho rằng, cách diễn của Thanh Hương vừa có sự “hùng hổ”, “nam tính” với vóc dáng “to cao”, lại vừa có cả sự đau đớn của phụ nữ bị phản bội, chà đạp. Chị thấy có đúng?
Nghề diễn như làm dâu trăm họ, có khen, có chê. Không phải lời khen nào cũng đúng, và lời chê cũng vậy. Quan trọng, mình phải có niềm tin ở bản thân. Nếu tôi không tin mình làm được, tôi sẽ không làm được.
Khi nhận vai Luyến, thời gian đầu tôi cũng rất mông lung, căng thẳng, mệt mỏi. Không có ai hỗ trợ, không có ai khuyên hay định hướng cho tôi cần phải làm gì với Luyến.
Tôi giảm cân như “tụt dốc không phanh”. Ý định ban đầu chỉ muốn giảm tầm 5 kg, nhưng cuối cùng tôi giảm đến 10 kg vì Luyến.
Thực sự đây là vai diễn quá khó, và tôi đã xây dựng, định hình cho Luyến bằng cảm nhận của riêng mình.
– Luyến giống Lan cave ở Quỳnh Búp Bê ở một điểm, không gây ấn tượng suốt chiều dài phim, nhưng luôn có những cảnh cao trào, thăng hoa. Lan Cave không xuất sắc suốt cả phim như My Sói, nhưng lại có những phân cảnh xuất thần, như khi bị cưỡng bức tập thể. Luyến cũng vậy, không sinh động trong từng cảnh như Lưu Nát, nhưng luôn có phân cảnh cao trào và chị diễn như lên đồng. Vì sao?
Thật khó để có được một vai diễn hay trong mọi phân cảnh. Trong mỗi vai diễn dài hơi (của thể loại phim truyền hình) đều sẽ có những cảnh đinh, cảnh đắt, nặng tâm lý. Tôi sẽ dồn sức tập trung và dành tất cả tâm huyết cho những cạnh nặng tâm lý đó. Tôi nỗ lực có những cảnh “lóe” lên như vậy để làm nổi bật lên bi kịch của nhân vật và dấu ấn cho vai diễn.
Ở những cảnh sinh hoạt đời thường sẽ không đủ chất liệu, không đủ cảm xúc để làm nổi bật lên tâm lý phức tạp của nhân vật, hay nỗi thống khổ mà họ phải chịu đựng.
Tôi cho rằng đó là tính toán “đường đi nước bước” có chủ đích của cá nhân tôi. Mỗi diễn viên sẽ có cách nhập vai riêng. Tôi sẽ chia sức, chia cảm xúc cho từng cảnh.
Việc vai Luyến được xây dựng có tính toán về sức, về cảm xúc như vậy, tôi đã nhận được sự ủng hộ, sát cánh kề bên của đạo diễn Danh Dũng.
Đạo diễn Danh Dũng đã để tôi tự làm, tự cảm nhận, tự xây dựng tuyến cảm xúc cho nhân vật Luyến. Tôi gần như “tự bơi”, tự xây dựng hình hài, sự sống cho Luyến.
Tôi hiểu, anh Danh Dũng muốn, Luyến là của Thanh Hương, chứ không phải Thanh Hương đưa lên màn ảnh một cô Luyến của Danh Dũng.
– Bên cạnh những lời khen tặng, cũng có ý kiến cho rằng, Luyến vẫn quá đẹp, thậm chí có chút “ăn chơi” khi so sánh với các nhân vật ở khu chợ nghèo. Đôi chỗ, phần thoại và đài từ của Thanh Hương vẫn cần mềm mại, cảm xúc hơn… Chị có đọc các ý kiến trái chiều về diễn xuất của mình?
Đến một giai đoạn, tôi không muốn diễn nữa, tôi muốn sống trong diễn, sống với nhân vật, để tôi được là Luyến, đau khổ với bất hạnh của cô ấy, trong khu chợ đó.
Tôi muốn Luyến thật nhất có thể. Tôi được học, được đào tạo bài bản để có thể thoại một cách trơn tru, mạch lạc, bài bản. Nhưng với Luyến, tôi chủ đích muốn cô ấy đôi khi nói không ra hơi, khóc không thành tiếng.
Tôi sẽ là Luyến theo cách bản năng nhất, chân thật nhất. Luyến xuề xòa trong cách đi đứng.
Có vai diễn, tôi nắn nót từng chữ khi thoại. Nhưng đấy sẽ không phải là Luyến.
Nghe sẽ giống như tôi đang bào chữa, chống chế cho vai diễn. Tôi không chống chế, tôi chỉ đang nói về nhân vật mà tôi đã hết mực yêu thương và chia sẻ điều đó với khán giả.
Tôi yêu Luyến. Tôi không muốn là Thanh Hương đóng vai Luyến, mà muốn mình chính là Luyến.
Tôi xin lắng nghe và tiếp nhận mọi khen chê từ khán giả. Chính tình yêu, sự ủng hộ của khán giả, sẽ giúp tôi nỗ lực hơn nữa với hành trình của Luyến ở “Cuộc đời vẫn đẹp sao”.
Những nhân vật của phim, từ tận cùng đau khổ, vẫn mỉm cười và tìm thấy hạnh phúc.
Tôi mong cho mỗi khán giả khi xem phim sẽ tìm thấy một bông hoa ở đó, tìm thấy điểm tựa, tìm thấy niềm an ủi, động viên.
Để thấy cuộc đời này – dù đôi khi không như ta mong đợi – vẫn thật đẹp làm sao.
– Xin cảm ơn chị!