Cụ thể, theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, sản lượng ôtô sản xuất lắp ráp trong tháng 4.2023 ước đạt 29.400 chiếc, giảm khoảng 2.000 xe so với tháng trước đó. Theo đó, tính lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, ước tính sản lượng xe mà các doanh nghiệp ôtô đã sản xuất lắp ráp đạt 109.500 chiếc, giảm gần 20% so với cùng kì năm 2022.
Không chỉ sản lượng ôtô lắp ráp mà số lượng xe nhập khẩu từ các nước về Việt Nam trong tháng 4 cũng có xu hướng giảm khi ước tính chỉ có 12.500 chiếc cập cảng, thấp hơn so với con số khoảng 15.000 xe ở tháng trước đó.
Với 70.392 xe được bán ra trong quý I/2023, doanh số của toàn thị trường đã sụt giảm 22,2% so với cùng kì. Trước sức mua kém của thị trường trong quý đầu năm, dường như các doanh nghiệp đã phải giảm công suất để tránh áp lực tồn kho lớn. Hiện nay, để giảm tồn kho, đồng thời chuẩn bị cho việc đón hàng loạt mẫu xe mới cũng như phiên bản nâng cấp vòng đời, các đại lí, hãng xe đã ưu đãi lớn đồng loạt.
Theo dự báo của doanh nghiệp, nếu không giảm được tồn kho, các nhà sản xuất sẽ không thể duy trì nhịp sản xuất ổn định và buộc phải giảm công suất, nhân công.
Cuối tháng 4.2023 vừa qua, Bộ Công Thương tiếp tục đề nghị Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ, xem xét giảm 50% lệ phí trước bạ đến hết năm đối với ôtô sản xuất lắp ráp trong nước.
Ngay sau đó, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ. Bộ Tài chính kiến nghị, chưa nên giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định thực hiện chính sách giảm mức thu lệ phí trước bạ, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án lựa chọn, có cân nhắc đến việc sụt giảm ngân sách nhà nước.
Phương án 1 giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 8-9 nghìn tỉ đồng. Phương án 2 giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với cả ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước và ôtô nhập khẩu sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 15-16 nghìn tỉ đồng.