* Đồng Nai mưa lớn sau nắng nóng kéo dài, nhiều nơi ngập nặng
Khoảng 3 giờ chiều 8.5, nhiều khu vực tại tỉnh Đồng Nai đã xuất hiện mưa lớn khoảng 1 giờ đồng hồ giúp nhiệt độ tại nhiều khu vực giảm mạnh, thời tiết mát mẻ nhưng khiến TP Biên Hoà nhiều nơi ngập sâu nửa bánh xe, nhiều xe máy phải dắt bộ.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại TP Biên Hoà, trên đường Đồng Khởi – Bùi Trọng Nghĩa, đường Nguyễn Ái Quốc, đoạn công viên 30/4, khu vực ngã ba Vũng Tàu, phường Long Bình Tân, phường Bình Đa… ngập sâu nửa bánh xe, nhiều xe máy phải dắt bộ do chết máy.
Khu vực hồ Trị An, huyện Vĩnh Cửu cũng đón cơn mưa lớn khoảng 1 giờ đồng hồ. Trước đó, mực nước hồ thuỷ điện Trị An giảm sâu, tiệm cận mực nước chết. Đây là mực nước thấp nhất đo được tại hồ Trị An trong hơn 10 năm qua.
Trước đó ngày 7.5, tại các huyện Định Quán, Vĩnh Cửu và TP Long Khánh cũng xuất hiện các cơn mưa nhỏ giúp nhiệt độ ở Đồng Nai đồng loạt giảm 2-3 độ C so với những ngày cao điểm nắng nóng, độ ẩm không khí cũng tăng từ 32% lên 43%.
Ông Nguyễn Phước Huy – Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai – cho biết: Dự kiến trong khoảng ngày 10.5 đến ngày 20.5, mùa mưa sẽ chính thức bắt đầu ở Đồng Nai. Tuy nhiên, năm nay lượng mưa dự báo sẽ giảm, bằng khoảng 90% so với các năm.
* Chiều 8.5, nhiều khu vực tại TP Hồ Chí Minh bất ngờ có mưa dông sau chuỗi ngày nắng nóng.
Ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh, thời tiết âm u, trời nhiều mây. Vào buổi sáng trời đổ mưa và kéo dài khoảng 20 phút. Tuy nhiên, sau đó trời tạnh mưa và người dân vẫn cảm thấy oi bức.
Khoảng 15h30, nhiều nơi tại thành phố tiếp tục có mưa khiến thời tiết dịu mát sau chuỗi ngày nắng nóng, oi bức. Một số khu vực tại TP Thủ Đức cũng xảy ra tình trạng ngập lụt.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, theo dõi trên ảnh mây vệ tinh, ảnh ra đa thời tiết và định vị sét cho thấy, mây dông đang phát triển trên khu vực Bình Dương xu hướng di chuyển theo hướng Đông Đông Bắc – Tây Tây Nam.
Trong khoảng 3 giờ tới, mây dông tiếp tục phát triển gây mưa rào kèm dông cho khu vực trên sau đó di chuyển theo hướng Đông Đông Bắc- Tây Tây Nam về phía TP Thủ Đức, sau đó mở rộng ra vùng lân cận khác…
Lượng mưa phổ biến từ 5-15mm, có nơi trên 20mm. Trong cơn dông đề phòng sét và gió giật mạnh khoảng cấp 5-6 (9-13m/s).
Tại các tỉnh, thành Nam Bộ nhiệt độ lúc 13h giảm từ 1-3 độ C so với ngày hôm qua, phổ biến 32-34 độ C ở miền Tây, riêng Châu Đốc 36 độ C.
* Hàng chục căn nhà ở Tuyên Quang bị tốc mái do dông lốc
Cơn mưa lớn kèm dông lốc rạng sáng 8.5 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã khiến hơn 80 căn nhà bị tốc mái, nhiều cây xanh gãy đổ.
Theo thống kê sơ bộ, tại huyện Sơn Dương, mưa to, gió lốc gây đổ sập 1 nhà tại xã Trung Yên, 59 ngôi nhà bị tốc mái, vỡ mái do cây đổ vào nhà. Khoảng 35 ha cây ngô, lúa, cây lâm nghiệp và cây ven lộ bị gãy đổ.
Tại huyện Lâm Bình, dông lốc cũng làm 26 nhà dân của xã Bình An bị tốc mái và 1 nhà có nguy cơ đổ sập. Ngoài ra, nhiều diện tích lúa, ngô của người dân bị gãy đổ.
Cơ quan chức năng đang tiếp tục tiến hành thống kê về tình hình thiệt hại. UBND các huyện chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa, thu dọn tài sản, lợp lại nhà cho các hộ bị thiệt hại, khẩn trương khắc phục các các tuyến giao thông bị sạt lở.
Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang cũng cảnh báo, diễn biến thời tiết đang rất phức tạp, nguy cơ mưa dông kèm lốc sét vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, người dân cần theo dõi sát bản tin dự báo thời tiết; chủ động các biện pháp phòng, tránh giảm thiểu thiệt hại.
* Thái Nguyên khắc phục thiệt hại sau mưa dông
Do ảnh hưởng của mưa to kèm theo dông kéo dài từ đêm ngày 7 đến sáng 8.5, một số địa phương tại tỉnh Thái Nguyên đã bị thiệt hại nặng nề về tài sản, hoa màu.
Tại TP. Thái Nguyên, trận mưa dông khiến nhiều cây xanh, cột điện bị gãy đổ, gây mất điện diện rộng. Một số gia đình bị hư hỏng mái tôn, tường rào, nhiều ha hoa màu bị hư hại. Nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố bị ngập sâu.
Tại huyện Đồng Hỷ, nhiều nhà dân bị tốc mái. Nước dâng cao tại một số ngầm tràn khiến nhiều tuyến giao thông bị gián đoạn.
Ngoài ra, mưa lớn còn gây ngập úng, làm gãy đổ hơn 1ha ngô trên địa bàn xã Hóa Trung… Ước tính thiệt hại gần 100 triệu đồng.
Trước tình hình đó, chính quyền địa phương các huyện đã thông báo đến cơ quan chức năng thực hiện hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn các địa phương cũng trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo tránh gây nguy hiểm cho người dân và hạn chế thiệt hại do mưa dông.
* Hà Tĩnh: 1.400 ha lúa gần thu hoạch bị ngã đổ vì mưa, gió
Trận mưa to kèm gió lớn xảy ra đêm qua (7.5) đến rạng sáng 8.5 đã khiến 1.400 ha lúa của 13 huyện, thị, thành phố trên toàn tỉnh Hà Tĩnh bị ngã đổ có thể ảnh hưởng đến năng suất và gây khó khăn cho việc thu hoạch.
“Thời điểm này lúa cơ bản đã vàng mơ, gần chín, ruộng cũng khô ít nước không bị ngập nên việc bông lúa ngã đổ không ảnh hưởng nhiều đến năng suất nhưng sẽ gây khó khăn khi thu hoạch” – ông Nguyễn Trí Hà – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Tĩnh – thông tin vào chiều 8.5.
Vụ xuân năm 2023 này, toàn tỉnh Hà Tĩnh gieo cấy 59.386 ha lúa. Theo đánh giá ban đầu năm nay lúa tốt, giai đoạn trổ bông gặp thời tiết thuận lợi nên dự kiến năng suất vụ này khá cao.