Mức lương thấp
Trung tâm Y tế huyện Sơn Tịnh hiện đang có 29 bác sĩ, phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho khoảng 170.000 người dân toàn huyện. Dân số đông lại thiếu bác sĩ đang gây áp lực lớn cho nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân của trung tâm.
Bác sĩ CKII Võ Thanh Tân – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Tịnh – cho hay, hiện nguồn nhân lực của đơn vị thiếu. Sau COVID-19, nguồn thu của bác sĩ thấp, khiến nhiều bác sĩ xin nghỉ việc để chuyển qua cơ sở y tế tư nhân nhằm có nguồn thu nhập cao hơn, đồng thời có cơ hội phát triển năng lực chuyên môn tốt hơn.
Theo bác sĩ Tân, trong quá trình khám bữa bệnh, các bác sĩ ở bệnh viện công lập không được chỉ định cho thuốc theo kinh nghiệm, chuyên môn của họ để đáp ứng tốt cho người bệnh, bởi những văn bản ràng buộc như dự toán, tổng mức quỹ của bảo hiểm y tế…
Vì vậy từ năm 2021-2022, có 3 bác sĩ chuyển công tác qua bệnh viện tư nhân, trong khi trung tâm không tuyển dụng được bác sĩ mới. Hơn nữa, bệnh viện tuyến huyện, tuyến xã không có nguồn thu, không tạo dịch vụ vì điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất thiếu thốn.
“Cần cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, Trung ương nhằm giúp lực lượng y bác sĩ yên tâm công tác tuyến cơ sở, tuyến huyện, tuyến xã” – bác sĩ Tân đề xuất.
Tại Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa, tính từ đầu năm 2021 đến nay đã có 7 bác sĩ xin nghỉ việc, đây đều là những bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa có nhiều năm kinh nghiệm.
Bác sĩ CKII Đặng Văn Điểm – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa – cho hay, có rất nhiều nguyên nhân, mà tuyến y tế cơ sở không giữ chân được bác sĩ do mức lương chỉ dao động từ 4,5-9 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải cuộc sống. Cơ sở y tế gặp khó khăn, không đủ kinh phí để bố trí đào tạo và đào tạo lại.
Trang thiết bị máy móc, thuốc men trong giai đoạn vừa qua rất thiếu. Chính những yếu tố này khiến nhiều bác sĩ bỏ y tế cơ sở công lập chuyển sang các cơ sở y tế khác, đặc biệt là tư nhân để có đời sống tốt hơn.
Thiếu thốn đủ đường do cơ chế
Giai đoạn 2013-2018, Quảng Ngãi thu hút, tuyển dụng được 254 bác sĩ, dược sĩ tốt nghiệp đại học chính quy về công tác tại tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nhân lực bác sĩ của tỉnh còn đang rất thiếu. Trong khi nguồn thu nhập thấp hơn mặt bằng chung nhưng nhiều bác sĩ có mong muốn học thêm về chuyên khoa sơ bộ, chuyên sâu… nhưng không nhận được hỗ trợ học phí, tiền lương khiến họ không thể yên tâm công tác lâu dài.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, số lượng bệnh nhân chuyển tuyến còn khá nhiều. Nguyên nhân do cơ sở vật chất của bệnh viện này ngày càng xuống cấp, trang thiết bị y tế hư hỏng, thỉnh thoảng xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất xét nghiệm. Giường bệnh yêu cầu chưa đạt chuẩn, đã ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh theo yêu cầu của người dân.
Hiện trên 90% kinh phí hoạt động của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi phụ thuộc vào nguồn thu từ bảo hiểm y tế. Trong khi đó, kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt dự toán trong nhiều năm qua vẫn chưa được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán.
Ông Phạm Minh Đức – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi – cho biết, để giảm tình trạng chuyển dịch từ bệnh viện công sang bệnh viện tư, trước hết cần phải nâng cao thu nhập của đội ngũ bác sĩ.
Để làm được điều này, cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhằm thu hút số bệnh nhân ở tại các bệnh viện công. Trong đó, tăng cường cơ sở vật chất, chất lượng của cán bộ cũng như tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế. Từ đó, số lượng bệnh nhân đến bệnh viện công nhiều hơn sẽ đảm bảo nguồn thu nhập cho bác sĩ cũng như cán bộ y tế.
Ngoài ra, bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện sản nhi đã triển khai khám chữa bệnh theo yêu cầu. Sắp tới, ngành y tế cũng sẽ tổng kết lại mô hình này.
Đồng thời, trình UBND tỉnh để triển khai cho một số đơn vị nếu có điều kiện khám chữa bệnh theo yêu cầu nhằm tăng thu nhập cho cán bộ y tế.
“Hiện nay, giá viện phí còn thấp, ngành cũng sẽ kiến nghị các cấp thẩm quyền tính giá viện phí tính đúng, tính đủ để đảm bảo các chi phí cho công tác khám chữa bệnh”- ông Đức nói.