Nóng nhất ở các cuộc tiếp xúc cử tri ở miền Trung những ngày này là kiến nghị của công nhân lao động với các đại biểu Quốc hội về việc họ không có cơ hội tiếp cận với gói vay ưu đãi 120 ngàn tỉ đồng để mua nhà của Chính phủ, bắt đầu triển khai từ ngày 1.4.2023.
Cùng với đó là cảm giác thất vọng và hụt hẫng sau những hồ hởi, phấn khởi ban đầu.
Theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1.4.2023, người dân thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội có nhu cầu vay mua nhà ở xã hội thuộc gói 120 ngàn tỉ đồng của Chính phủ có thể đến các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank để thực hiện thủ tục vay với lãi suất 8,2%/năm, thời hạn cho vay tối đa là 5 năm.
Tuy nhiên cho đến thời điểm này, theo phản ánh của cán bộ Công đoàn các địa phương – cả 4 ngân hàng nói trên đều chưa có chương trình triển khai đến các tổ chức để Công đoàn có kênh hỗ trợ cho người lao động và buộc người lao động phải tự đi giao dịch.
Khó khăn nữa, đến từ điều kiện vay là công nhân lao động phải trả trước 50% và lãi suất vay là 8,2% trên năm – một mức lãi không hề thấp.
Đó là chưa nói đến một điều kiện đầy rủi ro khác với công nhân lao động là khi hết thời gian ưu đãi, ngân hàng thương mại và khách hàng sẽ tự thỏa thuận, thống nhất với nhau về lãi suất cho vay để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.
Đây là điều gần như bất khả kháng với công nhân lao động ở các tỉnh miền Trung. Những người mà theo báo cáo của ông Nguyễn Phúc Nhân, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương và lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi ngày 7.5 là “hầu như không có tiền tích lũy” ngoài việc không thu xếp được thời gian để làm việc với các ngân hàng.
Công nhân lao động “gần như không có tiền tích luỹ” là chuyện không chỉ của riêng Quảng Ngãi mà là thực trạng chung của cả miền Trung và cả nước.
Những lý do để công nhân lao động gần như không có cơ hội với tới gói vay hỗ trợ 120 ngàn tỉ đồng để mua nhà ở xã hội cũng là thực trạng chung chứ không phải là chuyện riêng của các tỉnh miền Trung.
Đáng nói là công nhân lao động không với tay tới, không chỉ mỗi gói 120 ngàn tỉ đồng mà có với nhiều gói ưu đãi khác – như gói 20 ngàn tỉ đồng cho vay tiêu dùng để “đối trọng” với nạn “tín dụng đen” được triển khai năm 2022 – vì ý do thủ tục và lãi suất.
Vậy nên cần sớm có những chính sách và cách làm khác, thực tế, phù hợp, gần với tầm tay hơn để công nhân lao động có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi thay vì “treo” trên giấy.