Ghi nhận của Báo Lao Động sáng ngày 8.5, 10 căn nhà của người dân thuộc ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền bị mất một phần sau do sạt lở.
Ông Huỳnh Tài Lợi (sinh năm 1965, ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Khánh) chia sẻ, khoảng 2 giờ đêm, khi nghe thấy tiếng động sạt lở, gia đình ông đã kịp chạy ra và dọn dẹp đồ đạc có thể di chuyển.
Theo ông Lợi, khoảng 3 giờ, lực lượng chức năng của Uỷ ban huyện đã có mặt đông đủ để hỗ trợ sơ tán, di dời người và tài sản.
Ông Lợi chia sẻ thêm, gia đình ông không ai bị thương vì khi vừa có dấu hiệu sạt lở nhà ông đã nhanh chóng di chuyển ra ngoài. Những tài sản cũng được gia đình ông kịp thời di dời đến chỗ an toàn, riêng những đồ linh tinh không dọn được thì bị cuốn xuống sông hết.
“Sự việc sạt lở xảy ra không chỉ làm người dân chúng tôi thấy hoang mang, lo sợ mà còn gây thiệt hại về tài sản, nhất là giờ gia đình tôi không biết phải ở đâu. Chính quyền địa phương có kịp thời trấn an người dân về các chính sách hỗ trợ tái định cư nhưng giờ tôi chưa biết sẽ đến khi nào mới yên ổn như trước được. Hiện tại, nhà không còn, tôi và gia đình chỉ còn biết ở tạm tại những địa điểm chính quyền địa phương sắp xếp”, ông Lợi nói.
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Quí Ninh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ nhận định, qua đánh giá, có thể thấy đây là một vụ sạt lở rất nguy hiểm. “Theo khảo sát sơ bộ, tại hiện trường sạt lở còn xuất hiện nhiều vết nứt rất nguy hiểm, trong đó có nhiều vết nứt sát với đường tỉnh 923.
Do đó, bước đầu có thể nhận định sạt lở sẽ còn khả năng tiếp diễn trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, các ngành chức năng sẽ tiếp tục rà soát, khảo sát cụ thể hiện trường để có thể lên các phương án một cách căn cơ, bài bản trong thời gian tới”, ông Ninh thông tin.
Ông Nguyễn Trung Nghĩa – Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) cho biết, vụ sạt lở vào khoảng 2h15 sáng 8.5, nhận được thông tin, chính quyền đã đưa lực lượng công an và quân sự đến để kịp thời thực hiện các công tác cứu hộ và sơ tán người đến nơi an toàn. Đồng thời, hỗ trợ di dời tài sản, đồ đạc và tháo dỡ nhà cửa để hạn chế thiệt hại cho người dân. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn và tránh các nguy cơ khác, huyện đã phân công lực lượng công an, quân sự và bộ phận điện lực đến tháo dỡ dây điện.
“Trước tình hình sạt lở nghiêm trọng, huyện đặt vấn đề an toàn tính mạng của người dân lên hàng đầu. Các biện pháp khắc phục đang được ưu tiên thực hiện là hỗ trợ người dân di dời đến nơi ở mới tạm thời để đảm bảo an toàn. Sau đó, sẽ triển khai thực hiện các chính sách có liên quan để ổn định cuộc sống cho người dân. Hiện dự án bờ kè đang được triển khai thực hiện và huyện sẽ hỗ trợ cho đơn vị đầu tư để thực hiện công tác di dời các hộ dân đến nơi ở mới an toàn”, ông Nghĩa cho hay.
Ông Nghĩa thông tin thêm, thiệt hại về tài sản theo thống kê ban đầu của các ngành chức năng là khoảng hơn 10 tỉ đồng. May mắn, nhờ có sự hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng của các lực lượng chức năng nên không có thiệt hại về người.
Ông Nghĩa cũng cho rằng, vụ sạt lở này có khả năng là một dòng xoáy và giống như hàm ếch đi sâu vào bên trong. Đặc biệt, xuất hiện các vết nứt cặp với Tỉnh lộ 923. Đây là một hiện tượng rất nguy hiểm của thiên tai. Khả năng dọc theo vết nứt cặp tỉnh lộ nước thủy triều sẽ nông dần và tiếp tục nứt sâu vào.
Trước nguy cơ đó, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục vận động người dân di dời khẩn cấp đến nơi ở tạm thời khác để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản.